19006172

Cảnh sát giao thông không lập biên bản xử phạt

Cảnh sát giao thông không lập biên bản xử phạt 

Em chạy xe tải bị lỗi chạy lấn làn rồi em bị CSGT bắt lại mà cảnh sát giao thông không lập biên bản xử phạt mà lấy bằng lái của em rồi bỏ đi luôn. Em có lên phòng cảnh sát nơi em vi phạm hỏi và làm theo yêu cầu của CSGT làm tờ giấy tường trình nội dung bị phạt mà CSGT không lập biên bản, mà tới tới hôm nay khoảng gần một tháng mà cảnh sát chưa thấy trả bằng cho em. Mỗi lần em lên phòng cảnh sát là mấy anh cảnh sát cứ hẹn, khi nào tìm thấy bằng mấy anh ấy sẽ liên hệ, mà lâu quá trời rồi.

Cho em hỏi bây giờ em làm như thế nào để nộp phạt cũng như lấy lại bằng lái xe? Em có quyền khiếu nại không? Em cảm ơn!


Không lập biên bản xử phạtCảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn về vấn đề cảnh sát giao thông không lập biên bản xử phạt; Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:

Thứ nhất, quy định về việc CSGT không lập biên bản

Căn cứ khoản 1 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:

“Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.”

Như vậy, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình; người có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản; trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản sau: xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ (trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ).

Mặt khác; khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 82. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm

2. Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện …”

Như vậy:

Để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; người có thẩm quyền mới được tạm giữ phương tiện; giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.

Với trường hợp của bạn; bạn phạm lỗi đi không đúng làn đường dành cho xe tải. Mà theo quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-CP thì lỗi này sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Nhưng cảnh sát giao thông lại không lập biên bản mà tạm giữ bằng lái xe của bạn là trái quy định của pháp luật.

Và hiện tại; bạn cũng đã đến liên hệ với phòng cảnh sát giao thông để lấy lại bằng lái xe nhưng vẫn chưa được giải quyết với lý do chưa tìm thấy bằng của bạn là không thỏa đáng. Bởi lẽ khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về thời  hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là  trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Và trong khoảng thời gian chờ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; người có thẩm quyền thu giữ giấy phép lái xe của bạn phải có nghĩa vụ bảo quản giấy phép lái xe và trả lại cho bạn khi bạn đã nộp phạt xong (trừ trường hợp bạn bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).

Do đó:

Trong trường hợp này; để bảo vệ được quyền lợi của mình; bạn có thể làm đơn khiếu nại đến người có hành vi hành chính; cơ quan người có hành vi hành chính; hoặc khởi kiện ra Toà án. Tuy nhiên, dù bạn lựa chọn giải quyết theo hình thức nào thì bạn cũng cần có chứng cứ chứng minh sai phạm của người đã tạm giữ giấy phép lái xe của bạn.

-->Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện mà không lập biên bản

Thứ hai, quy định về quyền khiếu nại biên bản vi phạm giao thông

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

“Điều 15,. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, nếu bạn thấy hành vi của cảnh sát giao thông là trái luật thì bạn có thể thực hiện khiếu nại về vấn đề này. Việc khiếu nại có thể đúng hoặc không đúng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại. Nếu việc khiếu nại không thành công thì bạn cũng không bị xử phạt thêm về lỗi nào khác.

-->Cảnh sát giao thông xử phạt sai thì phải làm thế nào?

Không lập biên bản xử phạt

Dịch vụ tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172

Thứ ba, về trình tự khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011, cụ thể như sau:

“Điều 7. Trình tự khiếu nại

1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

Theo quy định trên, nếu bạn muốn khiếu nại về hành vi không lập biên bản của CSGT thì bạn có thể khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính hoặc thực hiện thủ tục khiếu nại.

Để khiếu nại hành vi hành chính thì trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có hành vi vi phạm, bạn có đến Đội, phòng CSGT nơi đã lập biên bản để khiếu nại trực tiếp đến đồng chí CSGT. Trường hợp bạn không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì bạn có quyền khiếu nại trực tiếp đến Đội trưởng phòng CSGT nơi làm việc của đồng chí CSGT có hành vi vi phạm.Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Trường hợp bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì bạn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Mọi thắc mắc liên quan đến cảnh sát giao thông không lập biên bản xử phạt; Bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.

-->Cảnh sát giao thông không lập biên bản mà tạm giữ giấy phép lái xe

 

 

 

luatannam