19006172

Lỗi không có bằng lái xe của mô tô có nặng hơn xe máy không?

Lỗi không có bằng lái xe của mô tô có nặng hơn xe máy không?

Mình muốn hỏi có phải xe mô tô là chỉ các loại xe phân khối lớn (ví dụ DUCATI) còn xe máy là để chỉ các loại xe thông thường như lead, vision… hay không? Và có phải vì thế mà lỗi không có bằng lái xe của xe mô tô cũng nặng hơn so với xe máy hay không?



mô tôTư vấn giao thông đường bộ:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với vấn đề của bạn; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, phân biệt mô tô và xe máy 

Tại Khoản 3.39 Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019/BGTVT) giải thích:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

3.39Xe môtô (hay còn gọi là xe máy) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên, tải trọng bản thân xe không quá 400 kg đối với xe máy 2 bánh hoặc khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 350 kg đến 500 kg đối với xe máy 3 bánh. Khái niệm này không bao gồm xe gắn máy nêu tại Khoản 3.40 quy định tại Điều này”.

Như vậy, theo quy định trên thì mô tô còn được gọi là xe máy (hai khái niệm này là một) là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên, tải trọng bản thân xe không quá 400 kg đối với xe máy 2 bánh hoặc khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 350 kg đến 500 kg đối với xe máy 3 bánh.

Theo đó, các loại xe phân khối lớn (ví dụ DUCATI) hay các loại xe như lead, vision… thì theo quy định hiện hành cũng đều là xe mô tô (hay còn gọi là xe máy).

Thứ hai, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào đâu?

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 3; Khoản 4 Điều 23  Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

1.Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;”

Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính thường căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. 

Thứ ba, mức phạt đối với hành vi điều khiển mô tô không có bằng lái

Căn cứ Điểm a Khoản 5 và Điểm b Khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:

“Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây

a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, vi phạm một trong các hành vi sau đây:

b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;”

Ngoài ra, Điểm i Khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Điều 82. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm

1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

i) Khoản 1; Điểm a, Điểm c Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7; Khoản 8 Điều 21;”

Như đã phân tích ở trên thì mô tô và xe máy là để chỉ cùng một loại xe. Vì vậy nếu cùng tính chất, mức độ, … thì với lỗi điều khiển xe máy không có bằng lái sẽ bị đều phạt tiền và tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Mức phạt tiền chỉ khác nhau giữa xe có dung tích dưới 175 cm3 và từ 175 cm3 trở lên.

mô tôTổng đài tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172

Kết luận:

– Mô tô và xe máy là một; không phải xe mô tô là chỉ các loại xe phân khối lớn (ví dụ DUCATI) còn xe máy là để chỉ các loại xe thông thường như lead, vision như câu hỏi của bạn.

– Với lỗi không có bằng thì nguyên tắc áp dụng mức xử phạt sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của hành vi. Mức xử phạt đối với hành vi điều khiển mô tô không có bằng chỉ khác nhau giữa xe có dung tích dưới 175 cm3 và từ 175 cm3 trở lên.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết:

Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy có bị phạt không?

Thủ tục đăng kí sang tên xe máy từ ngày 01/01/2017

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề giao thông; xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.

luatannam