19006172

Mức hưởng khi tự đi khám chữa bệnh tại bệnh viện Quân Y 108

Nội dung câu hỏi:

Em có BHYT công ty bình thường đến đúng nơi ghi trên thẻ sẽ được 80%. Bệnh viện mà em đăng ký tuyến đầu là ở Phòng khám đa khoa khu vực nơi em đang ở. Vậy em tự đi khám chữa tại bệnh viện quân y 108 thì có được hưởng 80% nữa không ạ?



VIDEO: TIN VUI KHI KCB TRÁI TUYẾN TỪ NĂM 2021

Tư vấn bảo hiểm y tế:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chúng tôi. Về mức hưởng khi tự đi khám chữa bệnh tại bệnh viện Quân y 108; Tổng đài tư vấn trả lời cho bạn như sau:

Bệnh viện Quân y 108 là bệnh viện tuyến gì?

Bệnh viện TƯQĐ 108 là 1 trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt của quốc gia, được giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Hiện nay, bệnh viện gồm 104 đơn vị trực thuộc, 12 phòng, ban chức năng, 7 viện chuyên ngành, 10 trung tâm, 57 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 3 khoa khám bệnh… cùng hàng nghìn cán bộ, nhân viên, trong đó có 650 bác sĩ với trình độ chuyên môn cao, được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước. Hiện nay Bệnh viện TƯQĐ 108 có: 45 giáo sư, phó giáo sư, 146 tiến sỹ, hơn 600 thạc sỹ, bác sĩ; 1.300 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Bệnh viện có nhiều viện, trung tâm và chuyên khoa sâu triển khai các kỹ thuật cao, giải quyết nhiều bệnh phức tạp như chấn thương chỉnh hình, đột quỵ não, ghép tạng, tim mạch, chẩn đoán di truyền và sàng lọc ung thư…

Như vậy, Bệnh viện Quân Y 108 là bệnh viện hạng đặc biệt của Quốc gia, xếp loại tuyến Trung Ương.

Tự đi khám bệnh tại Bệnh viện quân y 108 là đúng tuyến hay trái tuyến

Căn cứ theo Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT và Khoản 7 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định có 06 trường hợp được xác định là khám chữa bệnh đúng tuyến như sau:

TH1Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

TH2. Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền).

TH3. Người có thẻ bảo hiểm y tế được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.

TH4. Trường hợp cấp cứu:

a) Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án.

b) Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định

TH5. Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.

TH6. Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, ….

Theo quy định trên, nếu người tham gia BHYT mà khám chữa bệnh thuộc một trong 6 trường hợp nêu trên sẽ được xác định là đi khám chữa bệnh đúng tuyến. Ngoài ra sẽ là đi khám chữa bệnh trái tuyến.

Vậy, như thông tin bạn cung cấp: bạn đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại Phòng khám đa khoa khu vực và nay có nhu cầu tự đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện quân y 108 nên đây sẽ được xác định là đi khám chữa bệnh trái tuyến.

Mức hưởng BHYT khi tự KCB tại Bệnh viện Quân Y 108?

Căn cứ Điểm đ Khoản 1 và Điểm a Khoản 3 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014:

“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế 

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú”.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014. Vì vậy mức hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến của bạn là 80%. Theo đó:

Mức hưởng khi tự đi khám chữa bệnh

Luật sư tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172

+ Nếu bạn tự ý đến khám, điều trị ngoại trú ở bệnh viện 108 thì sẽ không được quỹ BHYT thanh toán.

+ Ngược lại, nếu bạn tới bệnh viện Quân y 108 và được chỉ định điều trị nội trú thì bạn chỉ được hưởng 40% mức hưởng khi điều trị nội trú (tức là 32%) chi phí trong phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế.

Tóm lại, nếu bạn tự ý đi khám chữa bệnh tại bệnh viện 108 thì bạn chỉ được hưởng 40% mức hưởng khi điều trị nội trú (tức là 32%) chi phí trong phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế chứ không được hưởng mức 80% như khi khám chữa bệnh tại nơi ghi trên thẻ BHYT nữa.

Trên đây là bài viết về vấn đề mức hưởng khi tự đi khám chữa bệnh tại bệnh viện Quân Y 108. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết:

Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc về mức hưởng khi tự đi khám chữa bệnh tại bệnh viện Quân Y 108 thì bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tư vấn và giải đáp trực tiếp.

luatannam