19006172

Có quy định về việc bị cắt trợ cấp khuyết tật khi đi làm hay không?

Có quy định về việc bị cắt trợ cấp khuyết tật khi đi làm hay không?

Em đang nhận trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng là 540.000 đồng. Gia đình em cũng khó khăn và em thấy bản thân mình vẫn có thể làm những công việc nhẹ nhàng. Vì vậy em có xin đi làm nhặt chỉ cho 1 công ty may gần nhà và được nhận. Nhưng em lại nghe nói là nếu đã đi làm có lương rồi thì không được nhận 540.000 đồng này nữa. Cho em hỏi là em có bị cắt trợ cấp khuyết tật khi đi làm hay không? Em có BHYT khuyết tật rồi thì có phải đóng BHYT, BHTN và BHXH ở công ty không? Em cám ơn nhiều!



Cắt trợ cấp khuyết tật khi đi làm

Tư vấn Chế độ chính sách trực tuyến 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về trợ cấp khuyết tật khi đi làm

Căn cứ Điều 33; Điều 44 và Điều 51 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định như sau:

“Điều 33. Việc làm đối với người khuyết tật

1. Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.

3. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật…”

“Điều 44. Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:

a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;

b) Người khuyết tật nặng”.

“Điều 51. Áp dụng pháp luật

1. Người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì không hưởng chính sách quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này nhưng được hưởng chính sách quy định tại Luật này nếu pháp luật về người có công với cách mạng hoặc pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định“.

Như vậy, theo quy định hiện hành thì chỉ có người khuyết tật đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thì mới không được hưởng trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật. Pháp luật không có hướng dẫn về việc cắt trợ cấp khuyết tật khi đi làm việc và có thu nhập khác.

Mặt khác, Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người khuyết tật được lao động, cải thiện cuộc sống và giảm gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Vì vậy, bạn sẽ không bị cắt trợ cấp khuyết tật khi đi làm việc ở công ty.

Thứ hai, về bảo hiểm y tế khi người khuyết tật khi đi làm

Căn cứ Khoản 2 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế năm 2014 quy định như sau:

“Điều 13. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.

Như vậy, bạn là người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng đi làm ở doanh nghiệp thì phải đóng BHYT theo đối tượng xếp trên. Mà người lao động thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc đầu tiên nên bạn vẫn phải đóng tiền tham gia BHYT tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, bạn sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo mức 100% của đối tượng người khuyết tật (theo Khoản 2 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế năm 2014).

Thứ ba, về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật

Khoản 4 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định:

“4. Người lao động quy định tại các Điểm a và b Khoản 1 Điều này là người giúp việc gia đình và người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hằng tháng dưới đây thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

a) Người đang hưởng lương hưu hằng tháng;

b) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CPngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;…”

Theo đó, thì người khuyết tật không thuộc 01 trong các đối tượng không phải đóng BHXH bắt buộc. Vì vậy, khi đi làm ở công ty bạn vẫn phải đóng BHXH.

Thứ tư, về vấn đề đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người khuyết tật

Theo Điều 43 Luật việc làm năm 2013 thì dù có trợ cấp người khuyết tật hàng tháng, bạn vẫn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu làm việc theo hợp đồng lao động sau:

– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

– Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7 về người khuyết tật 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

-> Ưu đãi dành cho người khuyết tật theo quy định hiện hành

luatannam