19006172

Chế độ ốm đau – Những điều cần biết

CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Chế độ ốm đau - Những điều cần biết

PHẦN I. KIẾN THỨC CHUNG VỀ CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU

1. Đối tượng hưởng chế độ ốm đau

Điều 24 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này.”

Như vậy, đối tượng hưởng chế độ ốm đau cần chủ ý là 02 đối tượng tại điểm a,b Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;”

Tóm lại: Về bản chất, người lao động mà thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Doanh nghiệp sẽ thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau. Do đó, ta không cần thiết phải nhớ chi tiết điều khoản của pháp luật để xác định ai là người được hưởng chế độ ốm đau mà chỉ cần nhớ: Cứ đối tượng nào đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Doanh nghiệp khi phát sinh sự kiện ốm đau sẽ được giải quyết theo chế độ (bao gồm cả người lao động nước ngoài và cả chủ sử dụng lao động nếu họ có tham gia BHXH).

Ví dụ 1: Doanh nghiệp tôi mới tuyển dụng 01 lao động từ tháng 02/2020 và ký hợp đồng thử việc 02 tháng từ tháng 2/2020 đến 3/2020. Tuy nhiên, ngày 11/3/2020 người lao động bị ốm phải vào viện điều trị 5 ngày. Vậy người lao động bên tôi có được hưởng chế độ ốm đau không?

Giải đáp: Trong trường hợp này, người lao động đang làm việc ở Doanh nghiệp bằng Hợp đồng thử việc. Vậy theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì Hợp đồng thử việc không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội nên người lao động này không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội. Do đó, khi họ bị ốm phải nằm viện 05 ngày sẽ không được giải quyết chế độ ốm đau.

Tuy nhiên, cần lưu ý: Rất nhiều doanh nghiệp ký Hợp đồng cho người lao động dưới dạng: Ký hợp đồng lao động 01 năm với anh A có thời hạn từ 2/2020 đến 1/2021 nhưng trong hợp đồng lại quy định một điều khoản là thời gian thử việc 02 tháng tính từ tháng 01/2020 đến hết 02/2020. Vậy trong trường hợp này, anh A sẽ được đóng BHXH luôn từ tháng 1/2020 chứ không phải là đầu tháng 3/2020. Bởi bản chất đây là hợp đồng lao động chứ không phải hợp đồng thử việc nên nếu anh A có bị ốm đau trong thời gian thử việc vẫn sẽ được hưởng chế độ ốm đau (theo nguyên tắc có đóng có hưởng).

Do đó, để không phải đóng Bảo hiểm xã hội thì cần tách riêng 02 loại hợp đồng và không nên ký chung hợp đồng thử việc trong hợp đồng lao động.

2. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

2.1 Đối với chế độ ốm đau của người lao động.

Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:

“Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.”

Bản chất của Bảo hiểm xã hội là bù đắp những mất mát về thu nhập mà người lao động phải chịu khi phát sinh các sự kiện bảo hiểm. Ở đây ta có thể hiểu, nếu người lao động bị ốm đau mà phải nghỉ việc để điều trị, khi đó họ bị mất thu nhập do doanh nghiệp không trả lương cho những ngày nghỉ ở nhà. Do đó, bảo hiểm xã hội sẽ hỗ trợ phần thu nhập bị mất mà đáng lẽ ra nếu họ không bị bệnh thì họ sẽ có được.

Chi tiết về điều kiện hưởng chế độ ốm đau trong từng trường hợp cụ thể được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Cần chú ý những vấn đề sau:

– Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật do vết thương tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tái phát có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì được hưởng chế độ ốm đau.

Lưu ý: Trường hợp, khi người lao động bị tai nạn lao động thì người lao động sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015. Khi đó không giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động (không đồng thời giải quyết cùng lúc 02 chế độ cho người lao động vì như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc của BHXH. Trường hợp, nếu doanh nghiệp không biết mà giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động khi xảy ra tai nạn lao động thì thường hồ sơ sẽ bị trả về và hướng dẫn làm chế độ tai nạn lao động hoặc nếu được giải quyết sẽ mai sau khi làm chế độ tai nạn lao động sẽ bị truy thu lại tiền chế độ ốm đau. Dẫn đến việc khó khăn trong trình tự thủ tục). Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý để giải quyết đúng chế độ cho NLĐ.

– Người lao động đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà bị ốm đau, tại nạn (mà không phải là tai nạn lao động lần đầu) thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

Ví dụ 2: Tháng 1/2020 chị A nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 6 tháng (hết tháng 6/2020 chị A phải đi làm). Tuy nhiên, do sức khỏe đảm bảo, con lại có mẹ chồng chăm nên chị A đi làm sớm trước 2 tháng theo quy định. Ngày 1/5/2020 chị A quay lại làm việc ở công ty và thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH đầy đủ. Theo đó, nếu chị A bị ốm đau (đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau) trong thời gian đi làm sớm thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp không được giải quyết chế độ ốm đau:

Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013. Quy định này có thể hiểu, nếu người lao động cố tạo ra sự kiện bảo hiểm để được hưởng chế độ thì sẽ không được Bảo hiểm xã hội chi trả. Cần lưu ý đến bản chất của Bảo hiểm xã hội là: bù đắp thu nhập mà người lao động bị mất do sự kiện khách quan, bất ngờ nằm ngoài ý chí chủ quan của người lao động. Do đó, khi người lao động bị ốm đau, tai nạn do tự hủy hoại sức khỏe, do sử dụng rượu bia, ma túy thì là sự kiện “cố ý” nên không được bảo hiểm xã hội chi trả.

Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Như đã giải thích ở trên, nghỉ việc do điều trị lần đầu vì tai nạn lao động là chế độ tai nạn lao động (cụ thể mức hỗ trợ được quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015). Do đó, người lao động thuộc trường hợp được hưởng chế độ khác (chế độ tai nạn lao động có quyền lợi cao hơn chế độ ốm đau) nên không được giải quyết chế độ ốm đau.

Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Bản chất của Bảo hiểm xã hội là bù đắp khoản thu nhập mà người lao động bị mất do ốm đau, thai sản…nhằm đảm bảo mục đích an sinh xã hội. Vậy xét trong trường hợp này, chế độ nghỉ phép năm theo quy định của Bộ luật lao động 2012 thì đây là trường hợp nghỉ việc có hưởng lương; thời gian nghỉ thai sản theo chế độ của Bảo hiểm xã hội thì đây cũng là thời gian nghỉ việc đã có khoản thu nhập được hỗ trợ nên về bản chất người lao động không mất thu nhập nên Bảo hiểm xã hội không chi trả chế độ ốm đau khi người lao động ốm đau trong thời gian này. Đồng thời, trường hợp nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động Điều 116 Bộ luật lao động năm 2012 thì tùy từng trường hợp như nghỉ việc riêng do kết hôn, thân nhân mất… thì đây là trường hợp nghỉ việc riêng có hưởng nguyên lương; còn nghỉ không hưởng lương là do người lao động đã dự liệu trước việc nghỉ không hưởng lương (tức là họ chập nhận việc mất thu nhập để thực hiện công việc riêng) nên bảo hiểm xã hội cũng sẽ không thanh toán chế độ trong trường hợp này.

2. Đối với chế độ ốm đau của người lao động khi con ốm.

Căn cứ Khoản 2 Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau khi phải chăm con ốm đau:

“Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

  1. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.”

Theo quy định trên, người lao động có con dưới 07 tuổi (chưa sinh nhật 07 tuổi) mà bị ốm đau có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Về bản chất, người lao động phải nghỉ việc và mất thu nhập thì sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội hỗ trợ một khoản tiền trong khoảng thời gian này.

Lưu ý:

– Con phải dưới 07 mà ốm đau dẫn đến người lao động phải nghỉ việc chăm con (mất thu nhập trong thời gian nghỉ chăm con) thì người lao động mới được hưởng chế độ ốm đau. Nếu con trên 07 tuổi thì không được hưởng chế độ ốm đau.

– Con dưới 07 tuổi bao gồm thời gian từ 0 tuổi đến dưới 07 tuổi. Vậy nếu trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản 06 tháng mà con người lao động bị ốm thì sẽ không được hưởng chế độ ốm đau khi con ốm đau vì trong khoảng thời gian này, người lao động đang được hưởng chế độ thai sản rồi (không mất thu nhập thì không được hưởng chế độ ốm đau).

– Trường hợp con dưới 07 tuổi bị ốm đau trong khoảng thời gian mà người lao động đang nghỉ việc riêng, nghỉ lễ tết, nghỉ hàng năm, nghỉ không lương… thì người lao động cũng không được hưởng chế độ ốm đau khi con ốm đau.

– Chỉ được giải quyết chế độ ốm đau khi con dưới 07 tuổi ốm đau, không có chế độ ốm đau khi chăm: con trên 07 tuổi, vợ chồng hoặc bố mẹ hai bên bị ốm đau.

III. Thời gian hưởng và Mức hưởng chế độ ốm đau

  1. Đối với ốm đau thông thường

(-) Thời gian hưởng:

– Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau thông thường trong một năm quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật bảo hiểm xã hội được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

– Việc xác định người lao động làm công việc bình thường hay công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở nơi có hệ số khu vực 0,7 trở lên để tính số ngày hưởng chế độ ốm đau tối đa trong năm được xác định vào thời điểm người lao động bị ốm đau, tai nạn.

Như vậy, thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau tối đa trong 01 năm đối với trường hợp ốm đau thông thường được xác định như sau:

Dưới 15 năm đóng BHXH Từ 15 năm đến dưới 30 năm đóng BHXH Từ đủ 30 năm đóng BHXH
Môi trường làm việc bình thường 30 ngày 40 ngày 60 ngày
Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên 40 ngày 50 ngày 70 ngày

(-) Mức hưởng:

Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 75 (%) x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau
24 ngày

– Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Ví dụ 3: Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau theo Giấy chứng nhận nghỉ việc ghi từ ngày 30/3/2020 đến 5/4/2020. Ngày nghỉ hằng tuấn công ty là ngày chủ nhật. Mức lương đóng BHXH tháng liền kề 02/2020 là 5.000.000đ. Vậy tiền chế độ ốm đau được tính như sau:

Ngày 2/4/2020 và ngày 5/4/2020 là ngày giỗ tổ Hùng vường và ngày nghỉ hằng tuần nên không được tính chế độ. Người lao động chỉ được hưởng 05 ngày hưởng chế độ ốm đau. Mức hưởng tính cụ thể là: 5.000.000/24 ngày × 75% × 05 ngày = 781.250đ.

(-) Trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.

Trong trường hợp này, mức hưởng chế độ ốm đau của người lao động vẫn tính theo như ví dụ 3. Mức lương làm căn cứ tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là mức lương của tháng nghỉ hưởng chế độ ốm đau luôn. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải báo giảm chế độ ốm đau cho người lao động, sau đó mới làm chế độ theo mẫu 01b-TS qua điện tử và gửi hồ sơ giấy lên cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Lưu ý:

– Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

Quy định này được hiểu như sau: Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì thàng đó, doanh nghiệp báo giảm chế độ ốm đau cho người lao động. Do đó, doanh nghiệp và người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó. Đồng thời, tháng nghỉ hưởng chế độ ốm đau sẽ không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội sau này. Sau này khi chốt sổ BHXH, trên sổ sẽ ghi tháng này là nghỉ chế độ ốm đau.

– Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không phải đóng các loại BHXH nhưng vẫn được hưởng BHYT (tức vẫn được dùng thẻ BHYT để khám chữa bệnh trong thời gian này mặc dù không đóng tiền) – Khoản 5 Điều 32 Quyết định 595/BHXH năm 2017.

– Nếu người lao động đã nghỉ hết số ngày ốm đau trong năm mà vẫn phải nghỉ tiếp để chữa bệnh thì đơn vị phải báo giảm nghỉ không lương, các chế độ khác đối với người lao động khi bị ốm đau không còn.

– Trường hợp NLĐ vừa có thời gian nghỉ ốm đau vừa có thời gian nghỉ không lương trong cùng một thàng mà khi cộng tổng vào thì quá 14 ngày làm việc trong tháng không hưởng lương thì Doanh nghiệp nên báo giảm chế độ ốm đau cho NLĐ để dễ dàng làm chế độ ốm đau cho họ trên cơ quan BHXH.

  1. Đối với ốm đau dài ngày

Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH 2014 thì thời gian nghỉ ốm đau dài ngày như sau:

– Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

– Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau nêu trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Lưu ý: Chế độ ốm đau dài ngày không tính nghỉ việc tối đa bao nhiêu ngày trong năm mà sẽ tính là nghỉ theo đợt điều trị.

Ví dụ 3: Bà Nguyễn Thị A, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 tháng, mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa của bà A như sau:

– Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

– Trường hợp sau khi hưởng hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng 03 tháng.

Như vậy, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa của bà A là 180 ngày và 03 tháng.

* Mức hưởng: 180 ngày đầu được hưởng với mức 75% như với trường hợp nghỉ ốm thông thường. Trường hợp nếu nghỉ hết 180 ngày mà vẫn phải nghỉ điều trị tiếp thì mức hưởng được tính như sau:

– Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;

– Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

– Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

Công thức tính:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Trong đó:

a) Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau được tính bằng 75% đối với thời gian hưởng chế độ ốm đau của người lao động trong 180 ngày đầu. Sau khi hưởng hết thời gian 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau cho thời gian tiếp theo được tính như sau:

– Bằng 65% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;

– Bằng 55% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

– Bằng 50% nếu người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

b) Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì cách tính mức hưởng chế độ ốm đau cho những ngày này như sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau
24 ngày

Trong đó:

– Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản này.

– Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Ví dụ 4: Bà N đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bị ốm đau phải nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ ngày 28/3/2016 đến ngày 05/6/2016.

– Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của bà N là 2 tháng (từ 28/3 đến 27/5/2016);

– Số ngày lẻ không trọn tháng của bà N là 09 ngày (từ ngày 28/5 đến ngày 05/6/2016).

Lưu ý:

– Nếu người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày thì người lao động được dùng thẻ BHYT miễn phí trong thời gian này.

– Khi nghỉ chế độ ốm đau dài ngày, doanh nghiệp cần phải báo giảm lao động dài ngày (chọn phương án nghỉ ốm dài ngày vì liên quan đến chế độ về mức hưởng, thời gian hưởng và BHYT), trường hợp báo giảm sai thì phải báo giảm lại.

– Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

  1. Đối với nghỉ chế độ ốm đau khi con ốm đau

(-) Thời gian nghỉ chế độ ốm đau

– Thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con là: con dưới 3 tuổi nghỉ 20 ngày/năm; con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi nghỉ 1 ngày/năm. Thời gian nghỉ chế độ ốm đau khi con ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

– Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau, thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định: con dưới 3 tuổi nghỉ 20 ngày/năm; con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi nghỉ 15 ngày/năm.

Ví dụ: Bà A đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 2 con dưới 7 tuổi bị ốm đau với thời gian như sau: con thứ nhất bị ốm từ ngày 04/01 đến ngày 10/01/2020, con thứ hai bị ốm từ ngày 07/01 đến ngày 13/01/2020, bà A phải nghỉ việc để chăm sóc 2 con ốm đau. Ngày nghỉ hàng tuần của bà A là ngày Chủ nhật. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà A được tính từ ngày 04 đến ngày 13 tháng 01 năm 2016 là 09 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là Chủ nhật).

– Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con là: con dưới 3 tuổi nghỉ 20 ngày/năm; con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi nghỉ 1 ngày/năm.

Ví dụ: Hai vợ chồng bà B đều đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngày nghỉ hàng tuần của vợ chồng bà B là ngày Chủ nhật. Con bà B được 5 tuổi, bị ốm phải điều trị ở bệnh viện thời gian từ ngày 11/01 đến ngày 05/02/2020. Do điều kiện công việc, vợ chồng bà B phải bố trí thay nhau nghỉ chăm sóc con như sau:

– Bà B nghỉ chăm con từ ngày 11/05 đến ngày 17/05/2020 và từ ngày 25/05 đến ngày 05/06/2020;

– Chồng bà B nghỉ chăm con từ ngày 18/05 đến ngày 24/05/2020.

Như vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của vợ chồng bà B được tính như sau:

+ Đối với bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 19 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 17 ngày. Tuy nhiên, do con bà B đã được 5 tuổi nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà B được tính hưởng là 15 ngày.

+ Đối với chồng bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 7 ngày, trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 06 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của chồng bà B được tính hưởng là 06 ngày.

– Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con là: con dưới 3 tuổi nghỉ 20 ngày/năm; con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi nghỉ 1 ngày/năm.

Ví dụ: Hai vợ chồng chị T đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có con trai 5 tuổi bị ốm phải nằm viện điều trị bệnh từ ngày 07/3/2020 đến ngày 11/3/2020. Trong thời gian con phải nằm viện điều trị bệnh, cả hai vợ chồng chị T đều nghỉ việc để chăm sóc con.

Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng chị T đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau với thời gian là 05 ngày. Hồ sơ làm chế độ BHXH thì một người có thể dùng bản photto chứng thực.

PHẦN II: CHẾ ĐỘ DƯỠNG SỨC SAU ỐM ĐAU

Điều kiện nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau: Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, kể cả người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Có thể hiểu: thời gian nghỉ chế độ ốm đau cho từng đối tượng là khác nhau có người là 40 ngày/năm có người là 60 ngày/năm… hoặc ốm đau dài ngày nghỉ cả 180 ngày/đợt, vì thế luật quy định, đối với dưỡng sức chỉ cần nghỉ ốm đau từ đủ 30 ngày/năm là được hưởng dưỡng sức không nhất thiết phải nghỉ hết chế độ trong năm. Nếu bạn nào mà chỉ đọc luật mà không đọc hướng dẫn từ thông tư thì sẽ bị nhầm lẫn và ảnh hưởng đến chế độ của người lao động.

Thời gian nghỉ:

  1. a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
  2. b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
  3. c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức: 30% mức lương cơ sở. Cần lưu ý chế độ dưỡng sức tính trên mức lương cơ sở do nhà nước quy định (thường vào tháng 7 hàng năm sẽ có Nghị định của Chính phủ về thay đổi mức lương) chứ không phải mức lương cơ bản ở công ty các bạn đang đóng BHXH hay đang nhận lương. Do đó, cần cập nhật quy định về mức lương cơ sở để tính chế độ cho người lao động.

Cơ quan có thẩm quyền cho người lao động nghỉ dưỡng sức: Doanh nghiệp và ban chấp hành công đoàn. Trường hợp chưa có công đoàn thì doanh nghiệp quyết định. Người lao động không cần chứng minh hoặc xin giấy tờ gì của bất cứ cơ quan nào xác định vấn đề sức khỏe chưa tốt để nghỉ thêm dưỡng sức. Nên doanh nghiệp nên linh hoạt cho NLĐ nghỉ để nhận chế độ (chỉ cần ban hành Quyết định là được).

Lưu ý:

– Chế độ dưỡng sức sau ốm đau chỉ áp dụng với trường hợp người lao động bị ốm đau mà không áp dụng trong trường hợp người lao động nghỉ chăm con ốm đau. Vì dưỡng sức được hiểu như chế độ nghỉ thêm khi sức khỏe chưa tốt hẳn và việc chăm con ốm thì đâu xét đến vấn đề này.

– Nghỉ dưỡng sức trong năm nào tính của năm đó. Xác định vấn đề này để tính số ngày nghỉ dưỡng sức cho người lao động.

Ví dụ 5: Bà D phải nghỉ việc để điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ ngày 01/8/2016 đến hết ngày 10/12/2016 (trong năm 2016 bà D chưa nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau). Từ ngày 11/12/2016, bà D trở lại tiếp tục làm việc đến ngày 04/01/2017 do sức khỏe chưa phục hồi nên bà D được đơn vị giải quyết nghỉ việc hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe 10 ngày.

Trường hợp bà D được nghỉ hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 10 ngày và thời gian nghỉ này được tính cho năm 2016.

– Trong năm người lao động chỉ được nghỉ đúng đủ số ngày dưỡng sức theo quy định trên, trường hợp nghỉ vượt sẽ không được tính dưỡng sức.

Ví dụ 6: Tháng 2/2020 bà A xin nghỉ dưỡng sức sau khi đã nghỉ việc hưởng ốm đau theo quy định. Bà được nghỉ 5 ngày vì ốm đau thông thường không phải nằm viện. Tháng 4/2020 sau khi nằm viện mổ sỏi thận xong và hưởng hết chế độ ốm đau, bà có xin công ty nghỉ tiếp chế độ dưỡng sức và được công ty cho nghỉ. Tuy nhiên, lần này bà chỉ được hưởng 2 ngày dưỡng sức (vì nghỉ dưỡng sức do ốm đau phải nằm viện là được nghỉ 7 ngày nhưng hồi tháng 2.2020 bà nghỉ dưỡng sức 5 ngày rồi nên lần này bà chỉ được nghỉ 2 ngày nữa).

PHẦN III: QUYỀN LỢI HƯỞNG CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

– NLĐ được cấp thẻ bảo hiểm y tế do Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo, được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng cho NLĐ.

– NLĐ bị ốm đau đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn và một HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn (theo Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012)

– Doanh nghiệp không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu NLĐ ốm đau đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp NLĐ bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục (Điều 38 Luật lao động năm 2012)

Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, thì NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ.

– NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời gian nghỉ ốm đau.

PHẦN IV. HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT CÁC CHẾ ĐỘ VÀ KÊ KHAI ĐIỆN TỬ

Đối với việc giải quyết chế độ ốm đau, theo quy định và hướng dẫn nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì Doanh nghiệp sử dụng lao động cần phải làm hồ sơ qua 02 bước:

Bước 01: Nộp hồ sơ điện tử qua phần mềm kê khai BHXH (do mỗi phần mềm sẽ có nhưng tiêu chí điền khác nhau nhưng tựu chung lại cần chú ý những điểm mà phần mềm nào cũng có. Dưới các phần hồ sơ từng chế độ mình sẽ hướng dẫn cụ thể).

Bước 02: Sau khi đã nộp hồ sơ điện tử thành công, cần làm hồ sơ giấy và gửi kèm các chứng từ giải quyết chế độ lên cơ quan BHXH để được giải quyết.

Cụ thể giải quyết các chế độ như sau:

  1. Hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau thông thường

Bước 01: Làm hồ sơ điện tử

Đơn vị truy cập vào phần mềm BHXH =) chọn phần kê khai =) chọn giải quyết chế độ ốm đau =) chọn người lao động cần kê khai =) chọn chế độ và bắt đầu khai.

Lưu ý các tiêu chí cần phải điền: Do trên phần mềm sẽ tích hợp tất cả các tiêu chí trên cùng một mẫu do đó, những tiêu chí nào không thuộc phần khai báo của chế độ thì bỏ qua

Cần khai báo những tiêu chí: Họ và tên, số sổ BHXH, số hiệu của Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện, số ngày đơn vị đề nghị hưởng: từ ngày, đến ngày, tổng số ngày; ngày nghỉ hằng tuần của đơn vị; thông tin chuyển khoản của người lao động.

Sau đó là bước lưu hồ sơ và ký điện tử, gửi lên cơ quan BHXH.

Bước 2: Làm hồ sơ giấy và gửi lên BHXH qua đường Bưu điện

Sau khi làm xong hồ sơ điện tử, đơn vị cần gửi luôn hồ sơ giấy qua bưu điện lên BHXH trong ngày hoặc là ngày hôm sau.

Lưu ý: các chứng từ gốc gửi kèm theo hồ sơ giải quyết chế độ lên cơ quan BHXH thì đơn vị nên photo chứng thực lại 01 bản để lưu tại công ty, phòng trường hợp hồ sơ gửi qua bưu bị mất hoặc cơ quan BHXH đánh mất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ còn chứng từ để làm lại hồ sơ.

Ngoài ra, nếu hồ sơ bị từ chối mà đơn vị đã nộp chứng từ lên BHXH thì cơ quan BHXH sẽ không trả lại hồ sơ bản giấy mà công ty đã nộp.

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  1. Mẫu 01b-HSB: trong mẫu này đơn vị cần lưu ý điền các nội dung: tên NLĐ, mã số BHXH, chứng minh thư, cột từ ngày đến ngày và tổng số ngày, điền ngày nghỉ hằng tuần vào ô ghi chú.
  2. Giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ: Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Nộp hồ sơ: Tạo lệnh nộp hồ sơ qua bưu điện

  • Đăng nhập vào Trang https://bhxh.vnpost.vn/Security/SignIn
  • Điền các thông tin yêu cầu
  • Nộp hồ sơ (bộ hồ sơ bao gồm: Mẫu 01b-TS; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau hoặc giấy ra viện).
  1. Hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau dài ngày

Bước 01: Làm hồ sơ điện tử (tương tự như chế độ ốm đau ngắn ngày)

Đơn vị truy cập vào phần mềm BHXH =) chọn phần kê khai =) chọn giải quyết chế độ ốm đau =) chọn người lao động cần kê khai =) chọn chế độ và bắt đầu khai.

Lưu ý các tiêu chí cần phải điền: Do trên phần mềm sẽ tích hợp tất cả các tiêu chí trên cùng một mẫu do đó, những tiêu chí nào không thuộc phần khai báo của chế độ thì bỏ qua

Cần khai báo những tiêu chí: Họ và tên, số sổ BHXH, số hiệu của Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện, số ngày đơn vị đề nghị hưởng: từ ngày, đến ngày, tổng số ngày; ngày nghỉ hằng tuần của đơn vị; thông tin chuyển khoản của người lao động, mã bệnh dài ngày, phần ghi chú nếu có.

Sau đó là bước lưu hồ sơ và ký điện tử, gửi lên cơ quan BHXH.

Bước 2: Gửi hồ sơ giấy

Hồ sơ bao gồm:

  1. Mẫu 01b-HSB: trong mẫu này đơn vị cần lưu ý điền các nội dung: tên NLĐ, mã số BHXH, chứng minh thư, cột từ ngày đến ngày và tổng số ngày, điền ngày nghỉ hằng tuần vào ô ghi chú, ghi mã bệnh dài ngày
  2. Giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ: Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Nộp hồ sơ: Tạo lệnh nộp hồ sơ qua bưu điện

  • Đăng nhập vào Trang https://bhxh.vnpost.vn/Security/SignIn
  • Điền các thông tin yêu cầu
  • Nộp hồ sơ (bộ hồ sơ bao gồm: Mẫu 01b-TS; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau hoặc giấy ra viện).
  1. Hồ sơ giải quyết chế độ con ốm

Bước 01: Làm hồ sơ điện tử

Đơn vị truy cập vào phần mềm BHXH =) chọn phần kê khai =) chọn giải quyết chế độ ốm đau =) chọn người lao động cần kê khai =) chọn chế độ và bắt đầu khai.

Lưu ý các tiêu chí cần phải điền: Do trên phần mềm sẽ tích hợp tất cả các tiêu chí trên cùng một mẫu do đó, những tiêu chí nào không thuộc phần khai báo của chế độ thì bỏ qua

Cần khai báo những tiêu chí: Họ và tên, số sổ BHXH, số hiệu của Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện, số ngày đơn vị đề nghị hưởng: từ ngày, đến ngày, tổng số ngày; ngày nghỉ hằng tuần của đơn vị; ngày sinh của con, thẻ BHYT của con, thông tin chuyển khoản của người lao động… và một số các trường thông tin khác theo loại phần mềm mà bạn sử dụng.

Sau đó là bước lưu hồ sơ và ký điện tử, gửi lên cơ quan BHXH.

Bước 2: Gửi hồ sơ giấy

Hồ sơ bao gồm:

  1. Mẫu 01b-HSB: trong mẫu này đơn vị cần lưu ý điền các nội dung: tên NLĐ, mã số BHXH, chứng minh thư, cột từ ngày đến ngày và tổng số ngày, điền ngày nghỉ hằng tuần, ngày tháng năm sinh của con, số thẻ BHYT của con vào ô ghi chú,
  2. Giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ: Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Nộp hồ sơ: Tạo lệnh nộp hồ sơ qua bưu điện

  • Đăng nhập vào Trang https://bhxh.vnpost.vn/Security/SignIn
  • Điền các thông tin yêu cầu
  • Nộp hồ sơ (bộ hồ sơ bao gồm: Mẫu 01b-TS; Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau hoặc giấy ra viện).
  1. Hồ sơ giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau

Bước 01: Làm hồ sơ điện tử

Đơn vị truy cập vào phần mềm BHXH =) chọn phần kê khai =) chọn giải quyết dưỡng sức phục hồi sức khỏe =) chọn người lao động cần kê khai =) chọn chế độ tương ứng và bắt đầu khai.

Lưu ý các tiêu chí cần phải điền: Do trên phần mềm sẽ tích hợp tất cả các tiêu chí trên cùng một mẫu do đó, những tiêu chí nào không thuộc phần khai báo của chế độ thì bỏ qua

Cần khai báo những tiêu chí: Họ và tên, số sổ BHXH, số ngày đơn vị đề nghị hưởng: từ ngày, đến ngày, tổng số ngày; ngày nghỉ hằng tuần của đơn vị; ngày mà người lao động quay trở lại làm việc, thông tin chuyển khoản của người lao động… và một số các trường thông tin khác theo loại phần mềm mà bạn sử dụng.

Sau đó là bước lưu hồ sơ và ký điện tử, gửi lên cơ quan BHXH.

Bước 2: Gửi hồ sơ giấy

Hồ sơ bao gồm:

  1. Mẫu 01b-HSB: trong mẫu này đơn vị cần lưu ý điền các nội dung: tên NLĐ, mã số BHXH, chứng minh thư, cột từ ngày đến ngày và tổng số ngày, điền ngày mà người lao động đi làm lại vào ô ghi chú,
  2. Giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ: không có

Nộp hồ sơ: Tạo lệnh nộp hồ sơ qua bưu điện

  1. Hồ sơ báo giảm lao động khi bị ốm đau

Nếu người lao động có thời gian nghỉ chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị cần phải làm thủ tục báo giảm chế độ ốm đau (việc xác định 14 ngày đã được hướng dẫn chi tiết trong Bài 1).

Quy trình làm: Vào phần mềm, chọn kê khai =) chọn nghiệp vụ báo giảm =) chọn người lao động cần báo giảm. Khi đó, trên mẫu D02-TS sẽ hiện ra thông tin người lao động. Ta cần điền vào cột từ ngày đến ngày, phương án cần chọn là nghỉ ốm đau, ô ghi chú: ghi ngày mà người lao động bắt đầu nghỉ ốm đau.

Sau đó, ghi hồ sơ và ký nộp lên BHXH.

luatannam