Hồ sơ chuyển nơi hưởng lương hưu từ Nam Định vào Đồng Nai
Tôi muốn hỏi về hồ sơ chuyển nơi hưởng lương hưu? Tôi năm nay 60 tuổi; đang thuộc đối tượng hưởng lương hưu được gần 5 năm nay. Tôi chuyển vào Đồng Nai sinh sống. Bây giờ tôi muốn chuyển nơi nhận lương hưu từ Nam Định vào Đồng Nai có được không? Thủ tục bao gồm những giấy tờ gì? Tôi xin cảm ơn.
- Thủ tục chuyển nơi hưởng lương hưu như thế nào?
- Thủ tục ủy quyền lĩnh thay lương hưu
- Dịch vụ tính chế độ hưu trí chính xác 100%
Tư vấn chế độ hưu trí:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với trường hợp của bạn; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, quy định về chuyển nơi hưởng lương hưu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 115 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì:
“Điều 115. Chuyển nơi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng chuyển đến nơi ở khác trong nước có nguyện vọng được hưởng bảo hiểm xã hội ở nơi cư trú mới thì có đơn gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng.”
Bên cạnh đó, tại Điều 11 Luật Cư trú 2020 cũng có quy định về nơi cư trú của công dân cụ thể như sau:
“Điều 11: Nơi cư trú của công dân
1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.”
Như vậy theo quy định trên thì người đang hưởng lương hưu chuyển đến nơi cư trú khác thì có thể gửi đơn tới cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu chuyển nơi hưởng lương hưu.
Theo thông tin bạn cung cấp; bạn đang hưởng lương hưu tại Nam Định nhưng sắp tới bạn chuyển nơi ở về Đồng Nai. Vậy, bạn cần đi làm thủ tục để thay đổi nơi cư trú (nếu thường trú thì cần có sổ hộ khẩu hoặc tạm trú thì phải có sổ tạm trú KT3). Sau khi làm thủ tục thay đổi nơi cư trú xong thì bạn làm hồ sơ yêu cầu chuyển nơi hưởng lương hưu hằng tháng từ Nam Định vào Đồng Nai.
Thứ hai, về hồ sơ chuyển nơi hưởng lương hưu:
Hồ sơ chuyển nơi hưởng lương hưu: Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Quyết định 166/2019/QĐ-BHXH có quy định như sau:
“Điều 6. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả
1.2.7. Đối với di chuyển hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng; di chuyển hồ sơ chờ hưởng lương hưu, trợ cấp cán bộ xã hàng tháng: Đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB.”
Như vậy, hồ sơ chuyển nơi hưởng lương hưu thì bạn chỉ cần chuẩn bị 1 bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB được ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH) đồng thời mang theo Căn cước công dân và Giấy tờ liên quan đến nơi cư trú mới của bạn ở Đồng Nai.
Hình thức nộp hồ sơ: Bạn có thể nộp trực tiếp đến bộ phận một cửa của Cơ quan Bảo hiểm xã hội tại Nam Định hoặc nộp qua hình thức bưu điện.
Về nơi nộp: căn cứ Điều 7 Quyết định 166/2019/QĐ-BHXH và Quyết định 777/QĐ-BHXH thì khi bạn chuyển nơi hưởng lương hưu từ Nam Định về Đồng Nai thì bạn nộp hồ sơ đề nghị đến cơ quan BHXH huyện, quận nơi bạn đang hưởng lương hưu ở Nam Định. Theo đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội ở Nam Định sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho bạn, cụ thể:
– Nơi chuyển đi: Khi giải quyết hưởng chế độ BHXH, đồng thời lập thông báo chuyển hưởng theo mẫu số 18-HSB trình lãnh đạo Bộ phận/Phòng phê duyệt, chuyển trên Hệ thống đến BHXH huyện nơi người hưởng đăng ký nhận chế độ; trường hợp hưởng chế độ TNLĐ, BNN một lần, chế độ tử tuất một lần thì kèm theo hồ sơ để trả cho người lao động và thân nhân kèm theo Thông báo về việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gửi cho người hưởng theo mẫu số 23-HSB.
– Nơi chuyển đến
+) Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng: Truy cập Hệ thống để tiếp nhận thông báo chuyển hưởng; báo tăng trên Hệ thống, cập nhật vào danh sách chi trả.
+) Đối với trường hợp bắt đầu hưởng BHXH hàng tháng, hưởng chế độ TNLĐ, BNN một lần, chế độ tử tuất một lần: Truy cập Hệ thống để tiếp nhận thông báo chuyển hưởng; kiểm tra hồ sơ trên Hệ thống lưu trữ điện tử tập trung, báo đăng trên Hệ thống, cập nhật vào vào danh sách chi trả đối với trường hợp giải quyết đúng quy định; trường hợp không đủ điều kiện hưởng, giải quyết không đúng đối tượng thì tạm thời chưa chi trả và thông báo ngay cơ quan BHXH nơi đã giải quyết để phối hợp xử lý; đồng thời thông báo để người hưởng biết về việc chưa chi trả.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do
Tư vấn chế độ hưu trí trực tuyến 24/7: 1900 6172
Trên đây là bài viết về vấn đề hồ sơ chuyển nơi hưởng lương hưu bao gồm những giấy tờ gì. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các bài viết:
- Thủ tục thay đổi hình thức nhận lương hưu?
- Hưởng lương hưu qua thẻ ATM nhưng không đến xác nhận chữ ký
Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề gì thắc mắc. Bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn trực tiếp.