Thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng hưu trí
Xin chào Tổng đài tư vấn, cho tôi hỏi về thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng hưu trí. Tôi là nữ, nay 35 tuổi ở nhà làm nông nghiệp, cho hỏi bây giờ tôi muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng hưu trí thì cần những thủ tục gì? Trước đó tôi chưa từng tham gia bảo hiểm xã hội. Mức đóng là bao nhiêu? Xin cảm ơn.
- Dịch vụ tính chế độ hưu trí chính xác 100%
- Vừa hưởng thất nghiệp vừa đóng bảo hiểm tự nguyện để hưởng hưu
- Nghỉ hưu trước tuổi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tư vấn bảo hiểm xã hội:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Với trường hợp của bạn thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng hưu trí; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu:
Căn cứ Khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội thì: Người lao động từ 15 tuổi trở lên có nhu cầu tham gia Bảo hiểm xã hội mà không thuộc đối tượng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì thực hiện thủ tục đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, trình tự – thủ tục đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện thực hiện theo các bước tại Điều 24 Quyết định 595/2017/QĐ-BHXH và Quyết định 222/2021/QĐ-BHXH như sau:
B1. Về thành phần hồ sơ bạn cần chuẩn bị:
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Quyết định 595/QĐ- BHXH quy định về thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu:
– Người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
– Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Lưu ý: Khi nộp hồ sơ bạn cần mang theo Căn cước công dân và Sổ hộ khẩu.
B2. Bạn nộp bộ hồ sơ nêu trên đến Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cư trú để được giải quyết
B3: Cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định của pháp luật.
– Thời gian giải quyết hồ sơ: 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu
– Lệ phí: Không mất
B4. Nhận kết quả giải quyết gồm: Sổ BHXH;
– Người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH: nhận kết quả tại Bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp hoặc qua dịch vụ bưu chính.
– Người tham gia đóng trực tiếp cho Đại lý thu: nhận kết quả tại Đại lý thu.
– Đối với người tham gia đóng thông qua ngân hàng hoặc hệ thống tiện ích thông minh theo phương thức đăng ký nhận kết quả theo hình thức đăng ký.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Điều kiện về hưu đối với người đóng BHXH tự nguyện năm 2023
Thứ hai, về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP về mức đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:
“1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.“.
Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do bạn tự kê khai. Tuy nhiên; mức thu nhập tháng mà bạn lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (1.500.000 đồng theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (tương đương 29.800.000 đồng; mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP).
Lưu ý: Bạn khi tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hỗ trợ tiền đóng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP với các mức như sau:
– Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; (99.000 đồng/tháng)
– Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; (82.500 đồng/tháng)
– Bằng 10% đối với các đối tượng khác (33.000 đồng/tháng)
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Kết luận:
Như vậy, trong trường hợp của bạn; bạn đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bạn vui lòng nộp những hồ sơ nêu trên đến cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi mà bạn thường trú hoặc tạm trú để tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bạn có thể lựa chọn một mức thu nhập tháng do bạn tự kê khai và đóng mỗi tháng bằng 22% mức thu nhập đó. Nhưng mức thu nhập đó thấp nhất bằng 1.500.000 đồng và cao nhất là 29.800.000 đồng.
Bạn có thể tham khảo tại bài viết: Cách tính lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc về thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng hưu trí; vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.