Các khoản phụ cấp nào được tính để đóng bảo hiểm xã hội
Hiện tại tôi đang làm việc ở công ty tư nhân và mới được giao phụ trách về mảng bảo hiểm của công ty nên muốn hỏi các bạn 1 số vấn đề sau. Cho tôi hỏi hiện nay Các khoản phụ cấp nào được tính để đóng bảo hiểm xã hội? Và có quy định về mức sàn và mức trần đóng bảo hiểm hay không? Công ty tôi mới mở 1 chi nhánh ở Nam Định nhưng muốn đóng bảo hiểm ở trụ sở để dễ quản lý thì có được không? Mong sớm được giải đáp! Tôi cám ơn nhiều!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi Các khoản phụ cấp nào được tính để đóng bảo hiểm xã hội cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn Tổng đài tư vấn xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, Các khoản phụ cấp nào được tính để đóng bảo hiểm xã hội?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì:
“2. Tiền lương do đơn vị quyết định
2.1. Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về HĐLĐ, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.
Phụ cấp lương theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.
2.2. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điểm 2.1 Khoản này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.”
Dẫn chiếu quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
“3. Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.”
Theo đó từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm các khoản tiền sau:
– Mức lương;
– Phụ cấp lương, bao gồm:
+ Phụ cấp chức vụ, chức danh;
+ Phụ cấp trách nhiệm;
+ Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ Phụ cấp thâm niên;
+ Phụ cấp khu vực;
+ Phụ cấp lưu động;
+ Phụ cấp thu hút.
– Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Các khoản tiền không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Thứ hai, về mức sàn để đóng bảo hiểm xã hội
Mục 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
a) Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;…”
Như vậy:
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) thì lương làm căn cứ đóng BHXH phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Do bạn cung cấp thông tin chưa đầy đủ, chúng tôi xin căn cứ Nghị định 90/2019/NĐ-CP để xác định mức lương thấp nhất làm căn cứ đóng bảo hiểm hiện nay cho bạn như sau:
– Vùng I: 4.420.000 đồng/tháng + 4.420.000 đồng x 7% = 4.729.400 đồng;
– Vùng II: 3.920.000 đồng/tháng + 3.920.000 đồng x 7% = 4.194.400 đồng;
– Vùng III: 3.430.000 đồng/tháng + 3.430.000 đồng x 7% = 3.670.100 đồng;
– Vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng + 3.070.000 đồng x 7% = 3.284.900 đồng.
Lưu ý:
Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về mức trần đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ Khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“3. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều này cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở”.
Mặt khác Khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 3. Mức lương cơ sở
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng”.
Như vậy, mức tiền lương tháng tối đa để đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở; hiện nay tương đương với 29.800.000 đồng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Mức lương tối đa đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
Thứ tư, về vấn đề đóng bảo hiểm cho chi nhánh theo trụ sở chính
Căn cứ Khoản 3 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
“3. Đóng theo địa bàn
3.1. Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh.
3.2. Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Công ty mẹ.”
Đối chiếu quy định nêu trên thì chi nhánh của công ty bạn hoàn toàn có thể đóng bảo hiểm theo trụ sở chính của công ty.
Trên đây là bài viết về vấn đề các khoản phụ cấp nào được tính để đóng bảo hiểm xã hội?
Nếu còn vấn đề gì thắc mắc về Các khoản phụ cấp nào được tính để đóng bảo hiểm xã hội; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Tỷ lệ đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động năm 2019
- Quy định về việc bảo lưu lại quá trình chưa hưởng BHTN năm 2023
- Điều kiện và thời điểm hưởng hưu cho người bị suy giảm khả năng lao động
- Có phải công ty quyết định ngày nghỉ dưỡng sức sau ốm đau?
- Có được hưởng chế độ ốm đau khi bị tai nạn do dùng ma túy?
- Chế độ thai sản cho chồng khi vợ mất không đủ điều kiện hưởng thai sản