Hưởng gộp BHXH một lần cùng với bảo hiểm thất nghiệp
Tôi đã tham gia BHXH đến năm 2021 này là được 6 năm tròn. Do điều kiện gia đình tôi không thể tiếp tục đi làm. Vậy tôi có được hưởng gộp BHXH một lần cùng với bảo hiểm thất nghiệp hay không? Mức hưởng của tôi như thế nào? Nếu tôi không nhận thì sau này đi làm chỗ khác có bị tính lại từ đầu không? Mong sớm được giải đáp! Tôi cám ơn nhiều!
Với câu hỏi có thể hưởng gộp BHXH một lần cùng với bảo hiểm thất nghiệp không; của bạn Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề hưởng gộp BHXH một lần với bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định về Hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập”.
Bên cạnh đó, Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần
Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;
c) Ra nước ngoài để định cư;
d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;”
Theo quy định trên, khi đáp ứng điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn phải nộp hồ sơ hưởng trong thời hạn 03 tháng kể từ thời điểm nghỉ việc. Trong khi đó, để được nhận BHXH một lần thì bạn cần chờ sau 01 năm nghỉ việc và không đóng tiếp bảo hiểm ở đâu thì mới có thể nộp hồ sơ. Vì vậy, bạn không thể hưởng đồng thời hai chế độ này.
Thứ hai, về cách tính trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 50 Luật việc làm năm 2013 quy định:
“Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp …
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng”.
Bạn cho biết thời gian làm việc và đóng bảo hiểm của bạn là 6 năm. Áp dụng quy định trên, bạn sẽ nhận được 06 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi bạn nghỉ việc.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa được hưởng là bao nhiêu?
Tư vấn bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về cách tính mức hưởng BHXH một lần
Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, mức hưởng BHXH một lần của bạn được xác định như sau:
Trước năm 2014, mỗi năm đóng được nhận 1,5 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH;
Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm đóng được nhận 2,0 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH.
Cách tính bình quân tiền lương đóng BHXH như sau:
Mức bình quân | = | Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội
|
Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội |
Thứ tư, về vấn đề đóng tiếp bảo hiểm
Căn cứ Khoản 1 Điều 45 Luật việc làm năm 2013 quy định:
“Điều 45. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp”.
Bên cạnh đó, Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“Điều 61. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.
Theo quy định trên nếu bạn chưa nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc BHXH một lần thì thời gian đóng này sẽ được bảo lưu và cộng nối khi làm việc ở công ty mới.
Trên đây là bài viết về vấn đề có thể hưởng gộp BHXH một lần cùng với bảo hiểm thất nghiệp không? Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Bảo hiểm thất nghiệp có tự động bảo lưu không?
Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề gì thắc mắc về có thể hưởng gộp BHXH một lần cùng với bảo hiểm thất nghiệp không; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Các chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc theo quy định mới
- Đang điều trị tai nạn lao động có được đóng bảo hiểm xã hội
- Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ không chuyên trách
- Chi phí được cộng dồn để hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 5 năm
- Đóng BHXH đủ số năm thì sẽ được hưởng lương hưu ở mức tối đa phải không?
- Khi nghỉ khám thai thì cần giấy tờ gì để được nhận tiền trợ cấp?