Đang điều trị mà giá dịch vụ BHYT tăng thì thanh toán như thế nào?
Bà của em đang tham gia BHYT theo đối tượng nghỉ hưu thì bà em được thanh toán bao nhiêu % BHYT ạ? Trường hợp bà em đi khám chữa bệnh không có giấy chuyển tuyến và lên thẳng trực tiếp bệnh viện tuyến trung ương để điều trị nội trú thì mức hưởng BHYT có thay đổi gì hay không?
Bà em hôm nay vừa nhập viện và được bác sĩ chỉ định sử dụng dịch vụ có tên là phẫu thuật u xương sọ. Nhưng em lại nghe mấy cô y tá nói là đến ngày 20/8 này giá của dịch vụ sẽ tăng lên thì có đúng không ạ và giá là bao nhiêu? Và nếu sau ngày 20/8 bà em mới ra viện thì sẽ phải chịu tiền theo mức giá mới có đúng không ạ? Đang điều trị mà giá dịch vụ BHYT tăng thì thanh toán như thế nào? Em cám ơn nhiều!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi đang điều trị mà giá dịch vụ BHYT tăng thì thanh toán như thế nào của bạn như sau:
Thứ nhất, mức hưởng BHYT của đối tượng hưu trí
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 12 và Điểm d Khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2014 như sau:
“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
d) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;”
Theo đó, dẫn chiếu đến thông tin mà bạn cung cấp thì bà bạn đang hưởng lương hưu thì bà bạn có mức hưởng khi tham gia BHYT là 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ hai, về mức hưởng BHYT khi không có giấy chuyển tuyến
Căn cứ theo quy định Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014 như sau:
“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế
3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;
c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.”
Theo quy định trên dẫn chiếu đến trường hợp của bạn; Bà của bạn đang tham gia BHYT theo đối tượng nghỉ hưu, bà đi khám chữa bệnh không có giấy chuyển tuyến và lên thẳng trực tiếp bệnh viện tuyến trung ương để điều trị nội trú nên mức hưởng BHYT sẽ là 40% của 95% tương đương 38% chi phí. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Danh mục khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả
Thứ ba, về việc tăng giá dịch vụ phẫu thuật u xương sọ
Căn cứ Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BYT quy định như sau:
“Điều 4. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 8 năm 2019″.
Như vậy, từ ngày 20/08/2019 Thông tư 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2018/TT-BYT (quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp) sẽ chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, theo Phụ lục III được ban hành kèm theo Thông tư 13/2019/TT-BYT thì từ ngày 20/08/2019 dịch vụ phẫu thuật u xương sọ sẽ tăng từ 4.951.000 đồng lên thành 5.019.000 đồng (Chưa bao gồm đinh, ghim, nẹp, vít, ốc, vật liệu tạo hình hộp sọ, màng não nhân tạo). Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Tăng giá dịch vụ giường bệnh theo BHYT từ tháng 8/2019
Tổng đài tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ tư, về vấn đề đang điều trị mà giá dịch vụ BHYT tăng thì thanh toán như thế nào?
Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Thông tư 13/2019/TT-BYT quy định như sau:
“Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp
2. Người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này và ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú sau thời điểm thực hiện mức giá quy định tại Thông tư này tiếp tục áp dụng mức giá đã được cấp có thẩm quyền đã phê duyệt trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú”.
Như vậy, bà của bạn đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BYT (trước ngày 20/8/2019) và ra viện sau thời điểm thực hiện mức giá quy định tại Thông tư này (sau ngày 20/8/2019) thì bà của bạn tiếp tục áp dụng mức giá đã được cấp có thẩm quyền đã phê duyệt trước thời điểm thực hiện mức giá theo quy định tại Thông tư này cho đến khi ra viện. Tức là bà của bạn sẽ chỉ thanh toán trên mức giá cũ là 4.951.000 đồng.
Trên đây là bài viết về vấn đề đang điều trị mà giá dịch vụ BHYT tăng thì thanh toán như thế nào?
Nếu còn vướng mắc về vấn đề đang điều trị mà giá dịch vụ BHYT tăng thì thanh toán như thế nào; bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
->Sẽ điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh bắt đầu từ ngày 20/8/2019
- Có được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ khám giám y khoa để nghỉ hưu?
- Cách tra cứu quá trình đóng BHXH trên mạng để tính mức hưởng BHXH 1 lần
- Tính bình quân tiền lương khi đóng ở cả cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước
- Năm 2023 đã đóng BHXH trên 20 năm có cách nào để nhận tiền 1 lần?
- Điều kiện hưởng lương hưu khi làm nghề nặng nhọc, độc hại