Điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện khi có đợt tăng lương
Tôi lên mạng thấy bảo là đến tháng 1 năm 2020 sẽ tăng lương; không biết là tăng lương gì thế ạ? Nếu lương em đã cao hơn mức đó rồi thì sẽ như thế nào ạ? Tôi đang làm công ty và đóng bảo hiểm được gần 1 năm nay. Vậy khi tăng lương đó thì tiền đóng bảo hiểm của tôi có tăng theo không ạ? Mẹ của tôi đang đóng BHXH tự nguyện theo mức 4 triệu. Vậy mẹ tôi có phải điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện khi ó đợt tăng lương này không?
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi Điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện khi có đợt tăng lương của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vấn đề tăng lương vào năm 2020
Căn cứ Điều 1 và Khoản 1 Điều 6 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động”.
“Điều 6. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”.
Như vậy, từ ngày 01/01/2020 mức lương tối thiểu vùng mới sẽ được áp dụng. Mức lương tối thiểu vùng này chỉ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Thứ hai, về vấn đề lương của bạn cao hơn mức lương tối thiểu vùng
Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 5. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng
1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Như vậy, từ ngày 01/01/2020 mức lương tối thiểu vùng cụ thể sẽ là:
– Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
– Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
– Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
– Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Đây là mức lương đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; nếu là lao động đã qua đào tạo thì sẽ được cộng thêm ít nhất là 7%. Nếu như lương hiện tại của bạn đã cao hơn các mức nêu trên thì bạn vẫn tiếp tục nhận mức lương đó.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Thế nào là người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề?
Thứ ba, về vấn đề tăng mức đóng bảo hiểm khi tăng lương
Căn cứ Điều 6; Điều 15 và Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH:
“Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
2. Tiền lương do đơn vị quyết định
… 2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường”.
“Điều 15. Tiền lương tháng đóng BHTN theo quy định tại Điều 58 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
2. Người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 2 Điều 6″.
“Điều 18. Mức đóng, trách nhiệm đóng BHYT của các đối tượng theo quy định tại Điều 13 Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Đối tượng tại Điểm 1.1, 1.2, Khoản 1 Điều 17: mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 6″.
Như vậy, khi bạn được tăng lương theo mức tăng lương tối thiểu vùng nêu trên thì mức đóng các loại bảo hiểm của bạn cũng được điều chỉnh tăng theo.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là bao nhiêu?
Thứ tư, về mức đóng BHXH tự nguyện khi tăng lương
Căn cứ Khoản 1 Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở”.
Như vậy, mức thu nhập tháng để làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là do người lao động lựa chọn; miễn sao không thấp hơn 700.000 đồng và không cao hơn 29.800.000 đồng. Vì thế, nếu lương tối thiểu vùng tăng thì cũng không ảnh hưởng đến mức đóng BHXH tự nguyện của mẹ bạn.
Nếu còn vướng mắc về Điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện khi có đợt tăng lương bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về bảo hiểm xã hội 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Nghỉ thai sản trong đợt tăng lương có được tăng lương không?
- Thời gian tối đa được nghỉ dưỡng sức sau phẫu thuật năm 2023
- Thời điểm và mức hưởng lương hưu đối với quân nhân thế nào?
- Công ty được cắt BHYT khi nghỉ không lương do dịch không
- Thủ tục cấp thẻ BHYT cho con mới đẻ cần thực hiện thế nào?
- Đã nộp hồ sơ thì thời điểm được nhận trợ cấp thất nghiệp là khi nào?