Năm 2021 có được nhận thai sản theo mức lương của tháng liền kề không
Cho mình hỏi năm 2021 có được nhận thai sản theo mức lương của tháng liền kề không? Mình nghỉ thai sản bắt đầu từ 2/3/2021, lương đóng bảo hiểm từ 5/2019-1/2021 là 8.860.000 đồng, tháng 2/2021 là 10.090.000 thì mức tiền lương mình được nhận thai sản là như nào ạ? Tại m thấy người bảo là trung bình của 06 tháng trước khi sinh nhưng có bài luật sư lại trả lời là mức lương tháng trước khi sinh. Tiền trợ cấp một lần khi mình sinh vào tháng 3/2021 đã được tăng lên là 1.600.000 chưa? Mình nghe nói phải sau khi hết thai sản trong vòng 45 ngày đầu quay trở lại mới được nộp hồ sơ hưởng thai sản thì có đúng không?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, năm 2021 có được nhận thai sản theo mức lương của tháng liền kề không
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:
“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.”
Như vậy, lương làm căn cứ tính hưởng chế độ của bạn sẽ dựa vào bình quân lương đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng gần nhất có đóng trước khi bạn nghỉ sinh chứ không phải là lương của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Thứ hai, về vấn đề trợ cấp một lần khi sinh con năm 2021
Căn cứ Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”.
Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 3. Mức lương cơ sở
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng”.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh con phụ thuộc vào lương cơ sở tại thời điểm sinh con. Trước ngày 01/07/2021 mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/con.
Thứ ba, về vấn đề thời điểm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Căn cứ Khoản 1 Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“Điều 102. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản
1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.”
Như vậy, theo quy định này thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người lao động.
Tuy nhiên, căn cứ theo hướng dẫn tại công văn số 1075/BHXH-CSXH ngày 29 tháng 3 năm 2016 về thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản hướng dẫn khoản 2, điều 14, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, thì người lao động có thể được hưởng chế độ thai sản khi hoàn thành xong hồ sơ với cơ quan bảo hiểm xã hội với thời hạn thực hiện như sau:
“Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, thì: “Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc”.
Như vậy, khi đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật, người lao động có thể nộp ngay hồ sơ cho người sử dụng lao động mà không phải đợi đến hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Sau khi nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có thể nộp ngay cho cơ quan BHXH để giải quyết sớm quyền lợi cho người lao động.”
Như vậy, theo quy định nêu trên, trường hợp bạn đã đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản thì bạn được nộp luôn cho công ty để hưởng chế độ thai sản mà không phải chờ sau khi hết chế độ thai sản 06 tháng mới nộp hồ sơ cho công ty.
Nếu còn vướng mắc về nhận thai sản theo mức lương của tháng bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7 về chế độ thai sản 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
–> Thời gian nghỉ thai sản có được đóng bảo hiểm xã hội không?
- Mua BHYT tự nguyện có được sinh con ở BV Đại học y dược TP HCM?
- Nghỉ thai sản vào giữa tháng thì BHYT được dùng tới khi nào?
- Sử dụng thuốc sau khi ra viện có được thanh toán BHYT không?
- Tham gia bảo hiểm tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản
- Trách nhiệm tham gia bảo hiểm của người sử dụng lao động