Nội dung câu hỏi:
Bên em có NLĐ nghỉ thai sản từ T5 đến hết T10. 13/11 NLĐ bắt đầu đi làm lại. Mọi người cho em hỏi nếu tháng 11 người lao động đi làm từ ngày 13/11 và công ty em nghỉ hàng tuần vào chủ nhật thì công ty có phải báo tăng người lao động đi làm từ tháng 11 không? Nếu báo tăng tháng 11 thì có được làm hồ sơ giải quyết tiền dưỡng sức cho người lao động không? Cho em hỏi báo tăng NLĐ đi làm sau thai sản thì dùng Phiếu giao nhận hồ sơ nào trên giao dịch điện tử?
Dịch vụ tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Báo tăng thai sản cho lao động nữ đi làm lại từ thời điểm nào
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1.8 Điều 38 Quyết định 595/QĐ- BHXH quy định:
“6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
6.1. Trường hợp HĐLĐ hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến khi HĐLĐ hết thời hạn được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản sau khi HĐLĐ hết thời hạn không được tính là thời gian đóng BHXH.
6.2. Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi không được tính là thời gian đóng BHXH”.
Theo đó: Pháp luật hiện hành quy định, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày công trở lên trong tháng thì được tính là thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, khi đó người lao động và đơn vị không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Do đó, trường hợp của bạn trong tháng 11/2023 người lao động của bạn chỉ nghỉ thai sản từ ngày 1 đến ngày 12 và đã đi làm lại từ ngày 13 vì vậy trong tháng 11/2023 người lao động không nghỉ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên nên bạn sẽ báo tăng người lao động từ thời điểm tháng 11/2023.
NLĐ nghỉ dưỡng sức luôn khi đi làm lại có cần báo tăng không?
Theo quy định tại Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về chế độ dưỡng sức của NLĐ sau khi nghỉ sinh con đi làm lại thì việc tính toán ngày nghỉ, thời hạn giải quyết dưỡng sức sẽ căn cứ vào ngày đi làm lại của người lao động. Do đó, ngay sau khi người lao động nghỉ hết chế độ thai sản đi làm lại thì dù NLĐ có nghỉ dưỡng sức luôn hay không thì đơn vị sử dụng lao động vẫn bắt buộc phải báo tăng đi làm lại sau thai sản. Khi đó, NLĐ mới được giải quyết chế độ dưỡng sức. Bởi, nếu không có sự kiện đi làm lại thì sẽ không thể được nghỉ dưỡng sức. Sự kiện đi làm lại phải được khai báo với cơ quan BHXH bằng cách báo tăng lao động đi làm lại trên phần mềm BHXH. Sau khi được cơ quan BHXH duyệt hồ sơ báo tăng thì khi đó NLĐ mới chính thức được xem xét và giải quyết các quyền lợi về chế độ dưỡng sức.
Hồ sơ làm chế độ dưỡng sức sau sinh gồm những giấy tờ gì?
Căn cứ Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/ QĐ-BHXH quy định về hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh con như sau:
“Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả
2. Tiếp nhận hồ sơ giấy do đơn vị SDLĐ nộp theo hướng dẫn tại điểm 2.1, 2.2, 2.4 khoản này và hồ sơ do người lao động, thân nhân người lao động nộp theo hướng dẫn tại điểm 2.3 khoản này với thành phần hồ sơ cho từng loại chế độ như sau:
2.4. Trường hợp hưởng DSPHSK sau ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN: Hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 100, khoản 5 Điều 101 Luật BHXH; khoản 1 Điều 60 Luật ATVSLĐ là Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập.”
Như vây, theo quy định trên, khi người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức thì người sử dụng lao động lập danh sách 01B-HSB để giải quyết chế độ này và người lao động mà sinh mổ thì cần phải có Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận phẫu thuật.
Hướng dẫn cách báo tăng thai sản đi làm lại trên phần mềm BHXH
Các phần mềm BHXH hiện nay được thiết kế giống nhau chỉ khác ở thao tác thực hiện. Do đó, bạn có thể tham khảo và làm tương tự trên phần mềm BHXH của bên bạn. Dưới đây là bài hướng dẫn trên PM BHXH VN:
Bước 01: Ban truy cập vào trang Bảo hiểm xã hội điện tử Việt Nam theo đường link dẫn sau: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/#/index
Bước 02: Bạn thực hiện đăng nhập tài khoản trên phần mềm Bảo hiểm xã hội
– Tên đăng nhập: Mã số thuế đơn vị bạn
– Mật khẩu: là mật khẩu do BHXH VN gửi cho bạn vào email
– Mã captra: nhập mã captra
Bước 03: Sau khi đăng nhập xong, nhận chọn mục “Kê khai hồ sơ” và chọn “Danh sách thủ tục”
Bước 04: Tìm chọn hồ sơ 600: Báo tăng, báo giảm, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN
Bước 05: Chọn tháng kề khai và kỳ kê khai. Sau đó hệ thống sẽ mở ra giao diện hồ sơ 600
Bước 06: Nhấn nút “Chọn lao động” phía trên góc trái. Sau đó, lựa chọn người lao động cần báo tăng thai sản đi làm lại. Phía dưới, bên tay trái tại mục ” Phân loại” chọn “Tăng lao động”. Tiếp tục nhấn nút “áp dụng” để thêm người lao động đó vào hồ sơ báo tăng.
Bước 07: Trong Mẫu D02-LT điền các thông tin:
Phương án (cột B): Chọn phương án Đi làm lại (Mã ON)
Chức vụ và nơi làm việc (cột 6, cột 7): Điền chức vụ và nơi làm việc của người lao động
Mã vùng lương tối thiểu (cột 18): Chọn vùng lương tương ứng
Hệ số lương/mức lương (cột 19) và các khoản phụ cấp khác nếu có: Điền mức lương đóng BHXH của NLĐ và các khoản phụ cấp nếu có
Loại và hiệu lực của Hợp đồng (từ cột số 27 -31): NLĐ ký loại Hợp đồng nào thì điền tương ứng vào cột đó
Thời điểm đơn vị bắt đầu đóng và Thời điểm đơn vị kết thúc đóng (cột 32 và cột 33): Điền tháng mà đơn vị bạn muốn báo tăng thai sản đi làm lại
Ghi chú (cột 36): Điền thông tin về ngày người lao động quay trở lại làm việc
Bước 8: Sau khi kê khai xong, nhấn lưu hồ sơ.
Bước 9: Nhấn “kê khai” để nộp hồ sơ lên cơ quan Bảo hiểm xã hội
Lưu ý:
+) Nếu đơn vị làm hồ sơ đúng vào thời điểm phát sinh thì chỉ cần làm các bước như nêu ở trên, trường hợp báo tăng muộn sẽ phải kê khai thêm mẫu D01-TS.
+) Cần phải làm thủ tục báo tăng thai sản đi làm lại trước khi làm hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh.
Đi làm lại sau khi hết thai sản có được nhận tiền dưỡng sức không?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
“Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.”
Như vậy, theo quy định pháp luật thì lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con, trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản từ 5 đến 10 ngày.
Theo đó, pháp luật quy định chế độ thai sản được nghỉ 06 tháng, nếu người lao động đã nghỉ hết chế độ thai sản và đi làm lại thì người lao động sẽ được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh con. Mức hưởng như sau:
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
– Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
– Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
– Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng nên 1 ngày được hưởng là: 540.000 đồng.
Nghỉ việc luôn sau khi nghỉ dưỡng sức thì có nhận được tiền dưỡng sức không?
Hiện nay, không có bất kỳ quy định nào về việc khi NLĐ đi làm trở lại và nghỉ dưỡng sức luôn, sau đó nghỉ hẳn việc thì có được nhận tiền dưỡng sức hay không. Tuy nhiên, trên thực tế thì NLĐ vẫn được nhận chế độ dưỡng sức bình thường. Nhưng cần lưu ý một điều là: đơn vị nên làm hồ sơ và giải quyết đầy đủ các quyền lợi cho NLĐ sau đó mới được báo giảm nghỉ việc. Nếu báo giảm nghỉ việc rồi mới giải quyết các quyền lợi trước đó thì e rằng sẽ khó được chi trả chế độ.
Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn và giải đáp trực tiếp.
- Đóng bảo hiểm 15 năm có rút được 1 lần không
- Tham gia bảo hiểm xã hội khi đang làm việc cùng lúc tại hai công ty
- Có được hoàn lại tiền tham gia BHYT khi mới dùng được một tháng thì qua đời?
- Lao động nữ đi làm sớm sau sinh sẽ do ai đóng bảo hiểm xã hội?
- Thủ tục – Hồ sơ giám định sức khỏe để về hưu sớm năm 2023