19006172

Cách viết tờ khai TK1-TS để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu

Cách viết tờ khai TK1-TS để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu

Tôi muốn thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu nhưng không biết viết tờ khai TK1-TS như thế nào, tổng đài có thể hướng dẫn tôi cách viết tờ khai TK1-TS để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu được không? Tôi nộp hồ sơ thì bao lâu sau tôi được cấp thẻ BHYT?



Cách viết tờ khai TK1-TS

Dịch vụ tư vấn bảo hiểm y tế qua tổng đài 19006172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, cách viết tờ khai TK1-TS để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu

Mẫu TK1-TS là mẫu tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ- BHXH. Cách điền mẫu TK1-TS theo hướng dẫn sau:

Phần kê khai bắt buộc

[01]. Họ và tên: Ghi đầy đủ họ, chữ đệm và tên bằng chữ in hoa có dấu của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN

[02]. Ngày tháng năm sinh: Ghi đầy đủ ngày tháng năm sinh như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước.

[03]. Giới tính: Ghi giới tính của người tham gia (nếu là nam thì ghi từ “nam” hoặc nếu là nữ thì ghi từ “nữ”).

[04]. Quốc tịch: Ghi như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước.

[05]. Dân tộc: Ghi như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước.

[06]. Nơi đăng ký Giấy khai sinh: Ghi rõ tên xã (phường, thị trấn); huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh, thành phố đã đăng ký giấy khai sinh.

[07]. Địa chỉ nhận hồ sơ: Ghi đầy đủ địa chỉ nơi đang sinh sống để cơ quan BHXH gửi trả sổ BHXH, thẻ BHYT hoặc kết quả giải quyết thủ tục hành chính khác: số nhà, đường phố, thôn xóm; xã (phường, thị trấn); huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); tỉnh, thành phố.

Phần kê khai chung

[09]. Mã số BHXH: Ghi mã số BHXH đã được cơ quan BHXH đã cấp (chỉ áp dụng đối với trường hợp đã được cấp mã số BHXH khi điều chỉnh thông tin).

[10]. Mã hộ gia đình: Ghi mã hộ gia đình đã được cơ quan BHXH đã cấp (chỉ áp dụng đối với trường hợp đã được cấp mã số BHXH khi điều chỉnh thông tin).

[13]. Nơi đăng ký KCB ban đầu: Ghi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu (danh sách đăng ký nơi KCB ban đầu được cơ quan BHXH thông báo hằng năm gửi cho cho đơn vị, UBND xã, đại lý thu).

[14]. Nội dung thay đổi, yêu cầu: Ghi nội dung yêu cầu thay đổi là nơi đăng ký KCB ban đầu…

Thứ hai, thời gian cấp thẻ BHYT khi thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu

Căn cứ tại điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH về thời hạn giải quyết hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu:

“Điều 30. Cấp thẻ BHYT

2. Cấp lại, đổi thẻ BHYT

2.2. Trường hợp thay đổi thông tin: không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

2.3. Trường hợp người tham gia đang điều trị tại các cơ sở KCB, thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.”

Bên cạnh đó, căn cứ vào Quyết định 505/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau

32. Sửa đổi, bổ sung Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 30 như sau:

2.1. Trường hợp không thay đổi thông tin: trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Theo đó, thời hạn giải quyết hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu là 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Do đó, sau tối đa 03 ngày làm việc bạn sẽ được nhận thẻ bảo hiểm y tế mới.

Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến – 1900 6172để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

Có được lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu?

Sinh con khác nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu được hưởng quyền lợi gì?

luatannam