Mua bảo hiểm y tế ngoài khi công ty đang nợ tiền đóng
Chào tổng đài tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến! Tôi đang làm việc tại một công ty đã được hơn 10 năm và vẫn tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây do tình hình kinh tế khó khăn, đơn vị nơi tôi đang làm việc có nợ tiền đóng bảo hiểm. Chính vì thế, thẻ bảo hiểm y tế của tôi không sử dụng để đi khám, chữa bệnh được nữa. Tôi muốn hỏi là hiện tôi đang có nhu cầu đi khám, chữa bệnh thì tôi có thể ra ngoài mua thẻ bảo hiểm y tế khác được không? Mong tổng đài giải đáp và xin cảm ơn rất nhiều!
- Xử phạt khi công ty nợ tiền bảo hiểm y tế của người lao động
- Tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện khi doanh nghiệp nợ tiền
- Làm thế nào khi công ty cũ nợ tiền bảo hiểm không chốt sổ được
Tư vấn bảo hiểm y tế:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Về vấn đề: Mua bảo hiểm y tế ngoài khi công ty đang nợ tiền đóng; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại đơn vị sử dụng lao động.
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 17 Văn bản hợp nhất số 2089/BHXH -2020 Ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định:
“Điều 17. Đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Điều 12 Luật BHYTvà các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Nhóm do người lao động và đơn vị đóng, bao gồm:
1.1. Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành Hợp tác xã hưởng tiền lương, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 4.”
Theo quy định này, người lao động đang làm việc tại các đơn vị sử dụng lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Tiền đóng bảo hiểm y tế sẽ do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Căn cứ tại Khoản 5 Điều 17 Văn bản hợp nhất số 2089/BHXH -2020 Ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định:
“Điều 17. Đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Điều 12 Luật BHYTvà các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
5. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, bao gồm:
5.1. Toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và người đã khai báo tạm vắng;
5.2. Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
5.3. Các đối tượng sau đây được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình:
a) Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
b) Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.”
Theo quy định nêu trên, những người không thuộc các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác mới thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Như vậy, bạn đang là người lao động làm việc tại công ty có hợp đồng lao động và vẫn đang tham gia bảo hiểm y tế từ trước tới nay nên bạn thuộc nhóm tham gia bảo hiểm y tế do người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng. Bạn không thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Chính vì thế, bạn không thể bỏ tiền cá nhân ra để mua bảo hiểm y tế tự nguyện trong khi công ty của bạn đang nợ tiền bảo hiểm. Bạn chỉ có thể bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị mà bạn hiện đang làm việc.
Việc công ty nơi bạn đang làm việc nợ tiền đóng bảo hiểm khiến quyền lợi bảo hiểm y tế của bạn bị ảnh hưởng, bạn có thể đi khám, chữa bệnh sau đó mang đầy đủ hóa đơn, chứng từ về cung cấp cho công ty và yêu cầu công ty phải chịu trách nhiệm tương ứng với quyền lợi bảo hiểm y tế mà lẽ ra bạn được hưởng.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo bài viết:
- Quyền lợi BHYT khi doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm?
- Khám chữa bệnh cho NLĐ không có thẻ do công ty nợ tiền bảo hiểm
Mọi thắc mắc về BHYT xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.