Hướng dẫn mới nhất về cách tính 12 tháng trước sinh
Cho em hỏi cách tính 12 tháng trước sinh như thế nào? Trong khoảng thời gian này em phải đóng 6 tháng hay 3 tháng bảo hiểm thì mới được hưởng chế độ thai sản ạ vì em nghe mỗi người nói một kiểu? Trong thời gian 6 tháng trước sinh em có 1 tháng nghỉ không lương để dưỡng thai thì khi tính tiền thai sản em phải lấy lương của 5 tháng cộng lại rồi chia cho 6 có đúng không ạ? Nếu trong thời gian nghỉ thai sản của em mà lại gặp trúng đợt tăng lương thì em có được tăng lương không ạ? Em cám ơn nhiều!
Trường hợp của bạn Tổng đài tư vấn xin được giải đáp như sau:
Thứ nhất, về cách tính 12 tháng trước sinh
Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
“1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này”.
Theo đó, cách tính 12 tháng trước sinh như sau:
– Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng; hoặc sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng nhưng tháng đó không đóng BHXH: tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
– Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH: tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Thứ hai, về số tháng đóng BHXH để được hưởng chế độ khi sinh con
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Lao động nữ sinh con;
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con”.
Như vậy, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con nếu đóng từ đủ 06 tháng BHXH trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Tuy nhiên, trong trường hợp phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền đồng thời đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên thì để hưởng chế độ thai sản lao động nữ chỉ phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Nghỉ dưỡng thai theo yêu cầu có được hưởng chế độ thai sản?
Hỗ trợ tư vấn chế độ thai sản qua tổng đài 1900 6172
Thứ ba, về tiền lương làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
“a) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”.
Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.
Bạn cho biết trong thời gian 6 tháng trước sinh bạn có 01 tháng nghỉ không lương để dưỡng thai. Theo quy định trên thì khi tính tiền thai sản bạn sẽ tính thêm về trước 01 tháng cho đủ 6 tháng lương; chứ không phải lấy lương của 5 tháng cộng lại rồi chia cho 6.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Cách tính chế độ thai sản cho lao động nữ sinh con
Thứ tư, về việc tăng lương trong thời gian nghỉ hưởng thai sản
Khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH có hướng dẫn như sau:
“6… Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được ghi trên sổ BHXH theo mức tiền lương đóng BHXH của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương”.
Theo đó, nếu trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản mà bạn được nâng lương thì thời gian đóng BHXH trên sổ sẽ được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Thời gian nghỉ thai sản có phải đóng loại bảo hiểm nào không?
- Ký HĐLĐ 1 năm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có được đóng bảo hiểm?
- Con mới sinh có được hưởng BHYT khi chưa có giấy chứng sinh
- Điều kiện cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả bảo hiểm y tế
- Đóng bảo hiểm thất nghiệp bao nhiêu tháng thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
- Chồng đóng bảo hiểm vợ có được hưởng thai sản không