Cách điền mẫu 01B-HSB giải quyết chế độ thai sản cho nam khi vợ sinh
Bên công ty tôi đang cần giải quyết chế độ thai sản cho lao động nam nghỉ việc chăm vợ sinh con thì cần phải điền mẫu C70A-HD hay mẫu 01B-HSB giải quyết chế độ thai sản ạ? Tổng đài có thể hướng dẫn tôi cách điền mẫu không ạ? Để người lao động được giải quyết chế độ thì công ty cần hướng dẫn họ nộp hồ sơ trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày vợ sinh con? Họ có được nhận thêm tiền tã lót cho con không ạ? Tôi xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Với câu hỏi cách điền mẫu 01B-HSB giải quyết chế độ thai sản cho nam khi vợ sinh của bạn, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, hồ sơ giải quyết chế độ thai sản cho lao động nam
Căn cứ Điểm 2.2.4 Khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, thì hồ sơ để giải quyết chế độ thai sản cho lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con gồm:
- Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập;
- Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con.
Như vậy, theo quy định trên để giải quyết chế độ thai sản cho lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con thì cần phải điền mẫu 01B-HSB. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Lao động nam được nghỉ bao lâu khi vợ sinh con?
Thứ hai, cách điền mẫu 01B-HSB giải quyết chế độ cho lao động nam khi vợ sinh
Để giải quyết chế độ thai sản cho lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con, bạn cần điền vào mục VIII trong phần B của mẫu đơn 01B-HSB như sau:
Cột A: Ghi số thứ tự
Cột B: Ghi họ và tên của người lao động trong đơn vị đề nghị giải quyết trợ cấp BHXH.
Cột 1: Ghi mã số BHXH của người lao động trong đơn vị đề nghị giải quyết trợ cấp BHXH.
Cột 2: Ghi ngày/tháng/năm đầu tiên người lao động thực tế nghỉ việc hưởng chế độ theo quy định.
Cột 3: Ghi ngày/tháng/năm cuối cùng người lao động thực tế nghỉ hưởng chế độ theo quy định.
Cột 4: Ghi tổng số ngày thực tế người lao động nghỉ việc trong kỳ đề nghị giải quyết.
Cột C: Ghi số tài khoản, tên ngân hàng, chi nhánh nơi người lao động mở tài khoản; trường hợp người lao động không có tài khoản cá nhân thì bỏ trống.
Cột D: Ghi chỉ tiêu xác định điều kiện, mức hưởng(Chỉ kê khai đối với đơn vị thực hiện giao dịch điện tử không gửi kèm theo chứng từ giấy): Ghi ngày, tháng, năm sinh của con.
Cột E: Ghi rõ ngày nghỉ hàng tuần. Trường hợp ngày nghỉ hàng tuần của người lao động không rơi vào ngày nghỉ hàng tuần theo quy định chung (ngày thứ Bảy và Chủ nhật) thì cần ghi rõ.
Ví dụ: Ngày nghỉ hàng tuần vào ngày thứ Hai, thứ Năm hoặc Chủ nhật thì ghi: T2, T5 hoặc CN.
Thứ ba, thời hạn nộp hồ sơ thai sản cho lao động nam
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:
“1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.“
Theo quy định trên thì công ty bạn có thể hướng dẫn cho người lao động nộp hồ sơ trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để được giải quyết chế độ thai sản.
Luật sư tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ tư, về trợ cấp một lần khi vợ sinh con
Căn cứ theo quy định Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì
“Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về trợ cấp một lần khi sinh con:
“2. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
b) Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con”.
Trong trường hợp để lao động nam được hưởng thêm tiền tã lót – trợ cấp một lần khi vợ sinh thì người lao động đó phải có vợ không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động đó phải từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm sinh con. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Cách tính chế độ nghỉ thai sản cho nam khi vợ sinh con
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi đối với câu hỏi cách điền mẫu 01B-HSB giải quyết chế độ thai sản cho lao động nam khi vợ sinh của bạn.
Mọi thắc mắc liên quan đến chế độ thai sản, xin vui lòng liên hệ Dịch vụ tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
->Thời điểm lao động nam được nghỉ hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con
- Trường hợp kết thúc hưởng TCTN được bảo lưu thời gian đóng trước đó
- Thẻ BHYT hộ gia đình có giá trị sử dụng từ thời điểm nào?
- Vợ tham gia BHXH thì chồng có được hưởng chế độ thai sản
- Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ một lần khi ra nước ngoài định cư
- Giáo viên về hưu có được nhận BHXH 1 lần khi đóng BHXH 15 năm?