Giới thiệu:
Quyền lợi thai sản khi sinh con được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 bao gồm khá nhiều chế độ từ quyền lợi Khám Thai, Sinh con, Dưỡng sức và Trợ cấp một lần khi sinh con…. Vậy, hãy tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật để không bỏ qua bất kỳ quyền lợi nào của bản thân khi sinh con.
- 05 lý do bạn chưa nhận được tiền thai sản
- Hướng dẫn Tra cứu tiền thai sản
- Hướng dẫn kê khai thai sản trên phần mềm BHXH
Luật sư tư vấn Chế độ thai sản trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
1. Đối tượng được hưởng chế độ thai sản:
Có phải cứ tham gia bảo hiểm xã hội là được hưởng những quyền lợi liên quan đến chế độ thai sản? Theo Điều 30 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 30. Đối tượng áp dụng chế độ thai sản
Đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này.”
Như vậy, chỉ những đối tượng sau đây khi tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng chế độ thai sản:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Lao động nữ đóng BHXH tự nguyện có được hưởng thai sản?
2. Người lao động được hưởng chế độ thai sản trong những trường hợp nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các trường hợp mà người lao động được hưởng chế độ thai sản như sau:
– Lao động nữ mang thai;
– Lao động nữ sinh con;
– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
– Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
– Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
3. Điều kiện hưởng chế độ thai sản của người lao động
– Trường hợp 01: Đối với Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì muốn được hưởng chế độ thai sản cần phải đóng Bảo hiểm xã hội ít nhất 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp 02: Đối với Lao động nữ sinh con mà phải nghỉ dưỡng thai cần đáp ứng 02 điều kiện:
+) đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
+) Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Nghỉ dưỡng thai được hưởng chế độ thai sản khi sinh con không?
Lưu ý:
Người lao động đủ điều kiện quy định tại 02 Trường hợp nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
– Trường hợp 03: Đối với Lao động nữ mang thai; Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con muons được hưởng chế độ thai sản chỉ cần đang tham gia bảo hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động.
4. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
Tùy vào từng giai đoạn phát triển của thai nhi mà Người lao động được hưởng các quyền lợi thai sản tương ứng. Đối với người lao động nữ trực tiếp mang thai và sinh con sẽ được các quyền lợi khác so với người lao động nam hưởng trợ cấp thai sản. Vậy căn cứ vào Điều 32, Điều 33, Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định cụ thể như sau:
4.1 Đối với lao động nữ: Khi lao động nữ mang thai và sinh con sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản theo từng sự kiện phát sinh như sau: Nghỉ khám thai; Nghỉ khi thực hiện các thủ thuật như: sảy thai, phá thai, nạo thai, hút thai bệnh lý…; Nghỉ dưỡng sức sau khi sinh con; Thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Cụ thể:
a. Thời gian nghỉ việc khi Khám thai
– Số lần nghỉ hưởng: 05 lần/chu kỳ thai.
– Số ngày nghỉ cho 1 lần khám thai: Thông thường là 01 ngày/lần khám thai; Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được hưởng 02 ngày/lần khám thai.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi khám thai không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Không nghỉ khám thai có được hưởng thai sản năm 2022
b. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
– Số ngày nghỉ việc được tính toán dựa trên tuần tuổi của thai nhi, cụ thể:
+) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
+) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
+) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
+) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
c. Thời gian nghỉ hưởng chế độ khi sinh con:
– Thời gian nghỉ chế độ: Nghỉ trước sinh và sau sinh 6 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Lưu ý: Lao động nữ được nghỉ trước sinh tối đa không quá 02 tháng.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Lưu ý đặc biệt:
+) Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian nghỉ sinh con nêu trên; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
+) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ.
+) Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
+) Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ.
+) Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
d. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức
– Đối tượng được hưởng dưỡng sức: Lao động nữ sinh con và Lao động nữ mang thai nhưng bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
– Điều kiện áp dụng: trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.
– Số ngày nghỉ: được chia thành 03 trường hợp sau:
+) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
+) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
+) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
– Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần
Bạn tham khảo thêm bài viết dưới đây: Đi làm trước thời hạn nghỉ thai sản có được nhận tiền dưỡng sức sau sinh
đ) Thời gian nghỉ việc khi thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (Đặt vòng tránh thai hoặc Triệt sản)
– 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
– 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
– Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
4.2 Đối với lao động nam: Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của nam ít hơn so với nữ, cụ thể trong các trường hợp: Nghỉ chăm sóc vợ sinh vợ sinh con; Nghỉ việc khi thực hiện biện pháp triệt sản. Cụ thể:
a. Thời gian nghỉ việc khi thực hiện biện pháp triệt sản:
– 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
– Thời gian hưởng chế độ triệt sản tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
b. Thời gian nghỉ việc khi vợ sinh con: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
– 05 ngày làm việc;
– 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
– Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
– Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảm thêm bài viết sau: Hướng dẫn Kê khai chế độ nam nghỉ việc khi vợ sinh con
5. Mức hưởng chế độ thai sản
– Trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con được tính theo công thức sau:
Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con |
= |
Tổng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH 6 tháng trước sinh |
x |
100 (%) |
x |
6 tháng |
6 |
Lưu ý: Đối với các trường hợp chưa đóng đủ 6 tháng thì tính bình quân các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội
– Tính trợ cấp thai sản trong các trường hợp khác: (khám thai; nạo – hút – phá – sảy thai; Nam nghỉ việc chăm vợ sinh…)
Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con |
= |
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề |
x |
100 (%) |
x |
số ngày hưởng chế độ thai sản |
24 ngày |
– Trợ cấp một lần khi sinh con:
Căn cứ tại Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì trợ cấp một lần khi sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần như sau:
Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con = 2 lần X Mức lương cơ sở X Số con sinh/nhận con nuôi
Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng /tháng. Do đó, trợ cấp 1 lần đối với mỗi con sẽ là: 1.490.000 * 2 = 2.980.000 đồng.
Lưu ý: Lao động nam chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con khi đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau:
– Có vợ sinh con nhưng không đóng Bảo hiểm xã hội hoặc có đóng Bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản;
– Người chồng có vợ sinh con phải đang đóng bảo hiểm xã hội được 6 tháng trong 12 tháng trước khi vợ sinh con.
6. Trình tự – Thủ tục giải quyết hồ sơ hưởng Thai sản
6.1. Thủ tục hưởng chế độ thai sản khi đang làm việc tại Công ty;
Điều kiện áp dụng: Người lao động vẫn đang tồn tại quan hệ lao động với công ty và chỉ đang trong thời gian nghỉ thai sản (Hợp đồng lao động chưa chấm dứt).
Căn cứ vào Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Quyết định 222/2021/QĐ-BHXH thì thủ tục làm chế độ thai sản thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 01: Công ty thực hiện báo giảm lao động nghỉ thai sản trên phần mềm bảo hiểm xã hội. Sau đó, cơ quan Bảo hiểm sẽ phê duyệt hồ sơ báo giảm thai sản. Về việc báo giảm thai sản, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Hướng dẫn báo giảm thai sản trên phần mềm Bảo hiểm xã hội
Bước 02: Sau khi sinh con, người lao động gửi Giấy khai sinh (bản sao) hoặc Giấy chứng sinh cho Công ty để Công ty làm chế độ thai sản cho người lao động.
Bước 03: Công ty căn cứ vào Giấy tờ mà Người lao động gửi để thực hiện làm hồ sơ thai sản cho người lao động trên cơ quan Bảo hiểm xã hội, cụ thể:
1. Kê khai chế độ thai sản trên phần mềm Bảo hiểm xã hội. Chọn hồ sơ 630b. Khi kê khai xong các nội dung yêu cầu thì cần đính kèm các giấy tờ nêu tại Bước 02 để làm căn cứ giải quyết chế độ. Sau đó, ký và gửi hồ sơ điện tử lên Bảo hiểm xã hội.
Về việc kê khai chế độ thai sản trên phần mềm Bảo hiểm xã hội, bạn có thể tham khêm bài viết sau: Hướng dẫn kê khai thai sản trên phần mềm BHXH
2. Sau khi gửi xong hồ sơ điện tử, bạn cần soạn mẫu 01b-HSB để gửi qua bưu điện lên cơ quan Bảo hiểm xã hội chủ quản để được giải quyết chế độ dưỡng sức.
Khi gửi hồ sơ qua bưu điện thì cần gửi Mẫu 01b -HSB (bản giấy, ký đóng dấu đỏ của Công ty) và các giấy tờ nếu có nêu tại Bước 02. Về việc kê khai mẫu 1b-HSB bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Cách điền mẫu 01B-HSB giải quyết chế độ thai sản cho lao động nữ sinh con
Lưu ý: Nếu chỉ gửi hồ sơ thai sản điện tử qua phần mềm BHXH thì chưa hoàn thiện và bên Bảo hiểm xã hội sẽ từ chối không giải quyết, nên ngay sau khi nộp hồ sơ điện tử xong cần phải làm bộ hồ sơ giấy để gửi lên bảo hiểm để tránh bị từ chối hồ sơ.
Sau khi gửi hồ sơ lên cơ quan BHXH, Công ty sẽ nhận được mã hồ sơ và có thể theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ qua mã hồ sơ. Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Hướng dẫn tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ thai sản
Bước 04: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật:
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Cơ quan BHXH sẽ trả email, SMS thông báo về việc xử lý thành công hồ sơ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh con;
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan BHXH sẽ trả email, SMS thông báo về việc từ chối tiếp nhận xử lý hồ sơ và yêu cầu hoàn thiện lại theo hướng dẫn gửi kèm.
Lưu ý: khi được trả hồ sơ hợp lệ thì cơ quan BHXH sẽ gửi thông báo về việc phê duyệt tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi con cho người lao động
6.2. Thủ tục hưởng chế độ thai sản khi đã nghỉ việc;
Điều kiện áp dụng: Người lao động nghỉ hẳn việc (chấm dứt Hợp đồng lao động) trước khi sinh con.
Căn cứ tại Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 và Quyết định số 166/QĐ-BHXH thì thủ tục làm chế độ thai sản thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 01: Người lao động chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản gồm:
– Sổ BHXH bản gốc;
– Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
– Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú;
– Căn cước công dân hoặc hộ chiếu
Bước 2: Người lao động nộp bộ hồ sơ như tại Bước 01 đến cơ quan Bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi cư trú theo sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để được giải quyết.
Bước 03: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật. Thời hạn giải quyết hồ sơ: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Sau khi nộp hồ sơ, bạn sẽ nhận được phiếu hạn trả kết quả của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Lưu ý, trên phiếu hẹn trả kết quả sẽ có mã hồ sơ, bạn có thể tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ theo mã hồ sơ này. Cách tra cứu bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết sau: Hướng dẫn tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ thai sản
Bước 04: Trả kết quả theo Giấy hẹn. Bạn vui lòng đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để nhận kết quả theo đúng lịch hẹn để nhận lại Sổ bảo hiểm xã hội bản gốc.
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Cơ quan BHXH sẽ trả email, SMS thông báo về việc xử lý thành công hồ sơ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh con;
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan BHXH sẽ trả email, SMS thông báo về việc từ chối tiếp nhận xử lý hồ sơ và yêu cầu hoàn thiện lại theo hướng dẫn gửi kèm.
Nếu còn vướng mắc về Kê khai chế độ nam nghỉ việc khi vợ sinh con bạn vui lòng liên hệ Tư vấn chế độ thai sản online: 19006172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
- Có được nhận chế độ thai sản với TCTN cùng một lúc không?
- Khi nào BHYT 5 năm liên tục được nâng mức quyền lợi lên 100%
- Số lần nghỉ việc khám thai đối với lao động nữ trong thời gian mang thai
- Nhận trợ cấp thương binh có được hưởng tiền tuất hàng tháng không?
- Mức chi trả BHYT của người khuyết tật nặng khi đi KCB đúng tuyến