Có cần giấy chuyển viện để hưởng BHYT khi đi cấp cứu không?
Xin cho hỏi có cần giấy chuyển viện để hưởng BHYT khi đi cấp cứu không? Và cấp cứu có được thanh toán chi phí vận chuyển không? Tôi ở Đa khoa Hà Đông. Tại sao tôi vào nằm phòng cấp cứu của bệnh viện 354 mà bác sĩ bảo tôi chỉ được hưởng có 60% các chi phí thôi ạ? Tôi đã thanh toán 40% đó cho bệnh viện rồi thì sau này lên bảo hiểm thanh toán lại được không? Mong sớm được phản hồi? Xin cám ơn!
- Cấp cứu tại bệnh viện trái tuyến có được chi trả bảo hiểm y tế?
- Thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi cấp cứu tại bệnh viện trái tuyến
- Điều trị sau cấp cứu tại bệnh viện trái tuyến có được chi trả bảo hiểm y tế?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Về giấy chuyển viện để hưởng BHYT khi đi cấp cứu; chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, có cần giấy chuyển viện để hưởng BHYT khi đi cấp cứu không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
“6. Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này trước khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh.”
Như vậy, người bệnh có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào trong tình trạng cấp cứu đều được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế và không cần phải có giấy chuyển viện của nơi đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Thứ hai, về vấn đề thanh toán chi phí vận chuyển khi cấp cứu
Căn cứ Khoản 1 Điều 26 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nếu bạn thuộc 01 trong các trường hợp sau thì sẽ được thanh toán chi phí vận chuyển khi cấp cứu:
– Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
– Cựu chiến binh theo Khoản 4 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
– Trẻ em dưới 6 tuổi.
– Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội.
– Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác theo Khoản 9 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
– Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Mức thanh toán chi phí vận chuyển đối với người tham gia BHYT hiện nay
Tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về vấn đề được thanh toán 40% chi phí
Theo Điểm a Khoản 4 Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT
“Điều 11. Các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
4. Trường hợp cấp cứu:
a) Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án”.
Bên cạnh đó, Điểm a Khoản 3 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế năm 2014 quy định:
“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế
3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;”
Như vậy, nếu bạn nằm tại phòng cấp cứ của bệnh viện 354 nhưng không được bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án thì bạn cũng không được công nhận là trường hợp cấp cứu. Khi đó, được xác định là đi trái tuyến trung ương. Bạn nhập viện điều trị nội trú thì chỉ được thanh toán 40% (so với mức hưởng nếu đi đúng tuyến) đối với các chi phí trong danh mục được bảo hiểm chi trả.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Tư vấn về xác định trường hợp cấp cứu và mức hưởng?
Thứ tư, về vấn đề thanh toán lại
Căn cứ Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm y tế năm 2014 và Khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2019/TT-BYT thì các trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh gồm có:
– Khám chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
– Khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định tại Điều 28 của Luật bảo hiểm y tế năm 2014;
– Có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;
– Trường hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ bảo hiểm y tế;
– Trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
Bạn điều trị nội trú trái tuyến trung ương thì không thuộc các trường hợp nêu trên nên không được thanh toán lại theo quy định.
Trên đây là bài viết về vấn đề có cần giấy chuyển viện để hưởng BHYT khi đi cấp cứu không?
Mọi thắc mắc liên quan đến hưởng BHYT khi đi cấp cứu, xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
->Có được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí điều trị sau cấp cứu?