Hưởng chế độ thai sản thế nào khi HĐLĐ hết thời hạn trước khi sinh
Mọi người cho em hỏi vấn đề hưởng chế độ thai sản thế nào khi HĐLĐ hết thời hạn trước khi sinh với ạ. Em có bầu dự sinh cuối tháng 5, em xin nghỉ thai sản trước 1 tháng là cuối tháng 4 này nhưng hết tháng 5 thì hợp đồng lao động của em cũng sẽ hết hạn. Tổng thời gian tham gia BHXH là 11 tháng liên tục. Cho em hỏi khi hợp đồng lao động hết hạn thì có được hưởng thai sản không ạ?
Nếu hợp đồng lao động hết thời hạn nhưng không gia hạn thì khi hưởng thai sản có được đóng BHXH không? Có được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh không?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi Hưởng chế độ thai sản thế nào khi HĐLĐ hết thời hạn trước khi sinh của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, Hưởng chế độ thai sản thế nào khi HĐLĐ hết thời hạn trước khi sinh
Căn cứ theo Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Như vậy, theo quy định thì nếu lao động nữ đóng đủ 6 tháng bảo hiểm xã hội trong vòng 12 tháng trước khi sinh sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Bạn dự sinh vào tháng 5/2021 và có đóng BHXH liên tục được 11 tháng trước thời điểm sinh do đó, trường hợp đến hết tháng 5/2021 HĐLĐ của bạn hết hạn thì bạn vẫn đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.
Thứ hai, về việc đóng BHXH trong thời gian thai sản
Theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì:
“6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.”
Theo đó:
Người lao động nghỉ chế độ thai sản từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH, BHTN của tháng đó nhưng thời gian nghỉ chế độ thai sản vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và để hưởng BHXH, không được tính là thời gian tham gia BHTN.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có quy định cụ thể:
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội được hướng dẫn như sau:
…
b) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, trường hợp HĐLĐ của bạn hết thời hạn trước thời điểm sinh con thì thời gian 6 tháng hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ ba, về việc HĐLĐ hết hạn thì có được giải quyết tiền dưỡng sức sau sinh không
Căn cứ Khoản 1 Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước”.
Theo đó, có thể thấy chế độ dưỡng sức sau sinh dành cho lao động nữ đang làm việc ở công ty nhưng trong 30 ngày đầu quay trở lại làm việc sức khỏe chưa phục phải nghỉ việc và bị mất thu nhập trong những ngày nghỉ việc đó.
Do đó, trường hợp của bạn khi HĐLĐ hết thời hạn và không ký tiếp thì hết thời gian thai sản bạn không có quay trở lại làm việc ở bên công ty nên không có thu nhập bị mất nên cơ quan BHXH sẽ không chi trả tiền dưỡng sức sau sinh để bù khoản thu nhập bị mất của bạn.
Trên đây là bài viết về vấn đề Hưởng chế độ thai sản thế nào khi HĐLĐ hết thời hạn trước khi sinh.
Nếu còn vướng mắc về Hưởng chế độ thai sản thế nào khi HĐLĐ hết thời hạn trước khi sinh; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24/7: 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Hồ sơ hưởng tiền trợ cấp tuất cho người đóng BHXH tự nguyện
- Học sinh, sinh viên có được tham gia BHYT hộ gia đình không?
- Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của doanh nghiệp
- Khám bệnh ngoài giờ hành chính có được hưởng bảo hiểm y tế
- Công ty cần làm gì khi có quy định về tăng lương tối thiểu vùng năm 2022?