Hưởng chế độ thai sản trong trường hợp truy đóng bảo hiểm xã hội
Xin cho tôi hỏi về vấn đề: Hưởng chế độ thai sản trong trường hợp truy đóng bảo hiểm xã hội. Tôi sinh con được 9 tháng và đang làm việc tại doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội có hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên doanh nghiệp lấy lý do là quá ít người lao động, chỉ có 6 người nên không thể nộp bảo hiểm xã hội cho chúng tôi. Giờ tôi đã nghỉ sinh con và đi làm trở lại không được hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội nào chỉ được nghỉ theo thỏa thuận với doanh nghiệp.
Sau khi đi làm thì có quyết định truy đóng của Bảo hiểm xã hội. Vậy tôi có phải truy đóng bảo hiểm xã hội không? Sau khi truy đóng tôi có được hưởng trợ cấp thai sản không? Nếu được hưởng thì được bao nhiêu và cần làm hồ sơ như thế nào? Xin cám ơn!
Với trường hợp hưởng chế độ thai sản trong trường hợp truy đóng bảo hiểm xã hội của bạn Tổng đài tư vấn xin được tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề truy đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội:
“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;”
Theo đó:
Bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đồng thời pháp luật không quy định doanh nghiệp phải có bao nhiêu người mới có thể tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, doanh nghiệp lấy lý do quá ít người để không đóng bảo hiểm cho người lao động là không đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo quy định tại điểm 1.1 Khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ- BHXH thì các trường hợp truy thu BHXH là:
“1.1. Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng”.
Tuy nhiên phải có điều kiện truy đóng theo điểm 2.1 khoản 2 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH là: “Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan BHXH thanh tra buộc truy thu.”.
Như vậy:
Nếu bạn có đủ điều kiện truy đóng theo quy định trên, tức là phải có tên trong danh sách lao động và đủ các giấy tờ liên quan thì bạn thuộc trường hợp truy đóng bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, về hưởng chế độ thai sản trong trường hợp truy đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Lao động nữ sinh con;
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Theo đó, khi bạn thuộc đối tượng truy thu bảo hiểm xã hội và có thời gian đóng bảo hiểm từ đủ 06 tháng trở lên trong khoảng 12 tháng trước khi sinh thì sẽ được giải quyết chế độ thai sản. Hiện nay, pháp luật không có quy định từ chối chi trả thai sản cho người đủ điều kiện do truy thu.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Xác định 12 tháng trước khi sinh để hưởng chế độ thai sản
Tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về mức hưởng thai sản khi sinh con
Căn cứ Khoản 1 Điều 34; Điều 38 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì khi đáp ứng đủ điều kiện bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản bao gồm:
– Trợ cấp trong thời gian nghỉ thai sản:
Bạn được nghỉ trước và sau sinh là 06 tháng. Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi bạn nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
– Trợ cấp 01 lần khi sinh con
Bạn được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng mà bạn sinh con. Từ ngày 01/07/2019 lương cơ sở là 1.490.000 đồng nên trợ cấp 01 lần khi sinh con thời điểm hiện nay đang là 2.980.000 đồng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Tháng lương để tính trợ cấp một lần khi sinh con
Thứ tư, về hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh con
Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH quy định như sau:
“Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả
2.2. Đối với chế độ thai sản của người đang đóng BHXH: Hồ sơ theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH; khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 15, 18, 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT; Điều 7 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:
2.2.2. Lao động nữ sinh con:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con”.
Như vậy, hồ sơ để hưởng chế độ thai sản của bạn bao gồm:
– Danh sách người lao động đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản do người sử dụng lập theo mẫu 01B-HSB (do người sử dụng lao động lập);
– Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con (bản sao được chứng thực, 1 bản/con).
Trên đây là bài viết về vấn đề hưởng chế độ thai sản trong trường hợp truy đóng bảo hiểm xã hội.
Nếu còn vướng mắc về vấn đề hưởng chế độ thai sản trong trường hợp truy đóng bảo hiểm xã hội; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Thời gian giải quyết chế độ thai sản của lao động nữ mới nhất 2019?
- Đóng bảo hiểm 26 năm rồi nghỉ việc thì được nhận những chế độ gì ?
- Công ty chốt sổ muộn thì có được nộp hồ sơ hưởng BHTN không
- Đóng bảo hiểm gián đoạn có được hưởng BHTN không?
- Đi KCB ở phòng khám tư nhân có được BHYT chi trả không?
- Người tham gia BHYT được hưởng mức trái tuyến khi không có giấy chuyển tuyến