Làm như thế nào khi doanh nghiệp chậm trả sổ BHXH?
Xin cho hỏi về vấn đề doanh nghiệp chậm trả sổ BHXH. Tôi năm nay 26 tuổi và làm việc ở doanh nghiệp tại Hà Nội được 2 năm thì nghỉ việc và có quyết định thôi việc từ ngày 28 tháng 9. Tuy nhiên doanh nghiệp chưa chốt sổ cho tôi, tôi đã nhiều lần làm đơn yêu cầu nhưng không có phản hồi. Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của tôi? Doanh nghiệp chậm trả sổ thì tôi có thể đăng kí hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Nếu có thì thì tôi cần nộp hồ sơ như thế nào? Còn nếu không thì thời gian đóng của tôi có mất đi không?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi Làm như thế nào khi doanh nghiệp chậm trả sổ BHXH cho chúng tôi. Tổng đài tư vấn xin trả lời bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề doanh nghiệp chậm trả sổ BHXH
Căn cứ theo khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động là:
“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.”
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”
Theo quy định trên, sổ bảo hiểm xã hội là căn cứ để xác định các mức hưởng, thời gian hưởng, điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội mà người lao động được hưởng. Nên việc chậm chốt sổ và trả sổ BHXH sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bạn cho biết bạn đã có nhiều lần viết đơn yêu cầu doanh nghiệp chốt sổ nhưng không được phản hồi. Trong trường hợp này, bạn có thể khiếu nại với Thanh tra Phòng lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp bạn tham gia BHXH để được giải quyết một cách nhanh nhất. Ngoài ra, bạn có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở về hành vi chậm chốt sổ và trả sổ.
Thứ hai, Làm như thế nào khi doanh nghiệp chậm trả sổ BHXH
Căn cứ Khoản 1 Điều 46 và Khoản 3 Điều 49 Luật việc làm năm 2013 quy định:
“Điều 46. Hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập”.
“Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
… 3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;”
Bạn cho biết bạn nghỉ việc và quyết định thôi việc từ ngày 28/9. Theo quy định nêu trên thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; tức là chậm nhất là ngày 28/12 bạn sẽ phải nộp hồ sơ đến trung tâm dịch vụ việc làm do Nhà nước thành lập.
Tuy nhiên, hiện công ty vẫn chưa trả sổ BHXH cho bạn. Nếu bạn nhận được sổ và nộp trong thời hạn nêu trên thì vẫn được nhận trợ cấp thất nghiệp. Ngược lại bạn sẽ không được giải quyết hưởng chế độ.
Luật sư tư vấn Bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến 1900 6172
Thứ ba, về hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP và Khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP thì bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
– Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây:
+) Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
+) Quyết định thôi việc;
+) Quyết định sa thải;
+) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
+) Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;
+) Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
+) Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền
– Sổ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, bạn cần xuất trình thêm chứng minh nhân dân/ căn cước công dân.
Bạn có thể tham khảo bài viết: Nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương khác?
Thứ tư, về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp nếu không được nhận trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 45 Luật việc làm năm 2013 quy định như sau:
“Điều 45. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.”
Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của bạn sẽ được bảo lưu và cộng nối khi bạn đi làm việc tại đơn vị khác.
Trên đây là bài viết về vấn đề Làm như thế nào khi doanh nghiệp chậm trả sổ BHXH. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Bảo hiểm thất nghiệp có tự động bảo lưu không?
Nếu còn vướng mắcvề Làm như thế nào khi doanh nghiệp chậm trả sổ BHXH; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về bảo hiểm thất nghiệp 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Thời gian hưởng và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tính thế nào?