Mức phí để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu là bao nhiêu?
Em muốn thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu thì khi nào mới làm được ạ? khi đến bảo hiểm xã hội thì em cần mang theo những giấy tờ gì? Mức phí để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu là bao nhiêu? Trong thời gian chờ đợi để được cấp lại thẻ mà em nhớ nhớ mã thẻ thì có đi khám chữa bệnh được không ạ? Em cám ơn nhiều!
- Có được thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu lên tuyến tỉnh không?
- Mới được cấp lại thẻ BHYT có được thay đổi nơi KCB ban đầu?
Tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thời điểm thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 19 và Khoản 2 Điều 26 Luật bảo hiểm y tế năm 2014 quy định như sau:
“Điều 19. Đổi thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế được đổi trong trường hợp sau đây:
b) Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;”
“Điều 26. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
2. Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý”.
Mặt khác, Khoản 3 Điều 47 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
“Điều 47. Quản lý dữ liệu, giá trị sử dụng thẻ BHYT
3. Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu quý”.
Như vậy, bạn có thể đề nghị thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào các tháng đầu quý: tháng 1; tháng 4; tháng 7 và tháng 10.
Thứ hai, về hồ sơ đề nghị thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu
Căn cứ Khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“Điều 27. Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT
4. Cấp lại, đổi thẻ BHYT
4.1. Thành phần hồ sơ
a) Người tham gia
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
– Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
b) Đơn vị: Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
4.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ”.
Theo đó, hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu mà bạn cần nộp cho cơ quan BHXH gồm có:
– Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT.
– Thẻ BHYT hiện tại bạn đang sử dụng.
Ngoài ra, bạn chuẩn bị thêm chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
Thứ ba, về mức phí để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 19 của Luật bảo hiểm y tế năm 2014 như sau:
“Điều 19. Đổi thẻ bảo hiểm y tế
4. Người được đổi thẻ bảo hiểm y tế do thẻ bị rách, nát hoặc hỏng phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí đổi thẻ bảo hiểm y tế”.
Như vậy, hiện nay chỉ có trường hợp đổi thẻ bảo hiểm y tế do thẻ bị rách, nát hoặc hỏng thì mới phải nộp phí theo mức quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Còn trường hợp của bạn là đổi thẻ bảo hiểm y tế do thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thì sẽ không phải nộp phí.
Thứ tư, về vấn đề khám chữa bệnh trong thời gian chờ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định:
“Điều 15. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.
… 3. Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.”
Như vậy, khi đi khám chữa bệnh thì phải xuất trình được thẻ BHYT chứ không thể chỉ dựa vào mã số của thẻ BHYT. Trường hợp bạn đang trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT do thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì bạn vẫn có thể hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế nếu xuất trình được đầy đủ các loại giấy tờ sau:
– Giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
– Một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác. Ví dụ: chứng minh nhân dân/ căn cước công dân; hộ chiếu; bằng lái xe;…
Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về bảo hiểm y tế 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
--> Làm thế nào để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu qua mạng?
- Đi khám trái tuyến tại bệnh viện Chợ Rẫy có được hưởng BHYT không?
- Đóng BHXH tự nguyện không may qua đời thân nhân được tiền hàng tháng không?
- Người lao động phải tiến hành gộp 2 sổ bảo hiểm xã hội như thế nào?
- Xin nghỉ việc ở công ty khi đi điều trị còn được hưởng tiếp BHYT không?
- Quy định về cách tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH