Nghỉ ốm đau, thai sản có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?
Cho tôi hỏi nếu người lao động công ty tôi nghỉ ốm đau, thai sản thì có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không? Nếu không đóng thì sau này công ty tôi có phải trả trợ cấp thất nghiệp với những khoảng thời gian đó hay không? Cách tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như thế nào và mức hưởng được tính trên mức lương của toàn bộ quá trình đóng đúng không? Mong tổng đài tư vấn giúp tôi, tôi xin cảm ơn.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Tổng đài tư vấn. Với câu hỏi của bạn; chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề đóng BHTN trong thời gian nghỉ ốm đau, thai sản
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ-CP như sau:
“Điều 11. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp
2. Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.”
Và căn cứ theo quy định tại Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14 tháng 04 năm 2017:
“Điều 42. Quản lý đối tượng
5. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.”
Như vậy, theo quy định trên người lao động công ty bạn nếu có thời gian nghỉ ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không cần đóng BHTN tháng đó. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Nghỉ việc bao lâu trong tháng thì không phải đóng BHTN tháng đó?
Thứ hai, về trợ cấp thôi việc
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP như sau:
5. Sửa đổi Khoản 3 Điều 14 như sau:
“3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó:
a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội,...”
Như vậy, thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vẫn được tính vào thời gian làm việc để tính trợ cấp thất nghiệp; nên công ty bạn vẫn phải chi trả trợ cấp thôi việc cho họ trong thời gian này.
Tổng đài tư vấn Bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến 1900 6172
Thứ ba, về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ theo khoản 2 Điều 50 Luật việc làm năm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp:
“Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng“.
Theo cách tính trên thì nếu người lao động tham gia bảo hiểm từ đủ 1 năm đến 3 năm thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ 1 năm thì sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Nhận bảo hiểm thất nghiệp có cần quyết định nghỉ việc không?
Thứ tư, về cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật việc làm năm 2013 như sau:
“1.Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.“
Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Trợ cấp thất nghiệp 1 tháng = 60% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Nếu còn vướng mắc về Nghỉ ốm đau, thai sản có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không? bạn vui lòng liên hệ Dịch vụ Bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
->Bảo lưu thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp