Nghỉ việc hẳn trước khi sinh có được đóng BHXH không
Em đóng bảo hiểm được 4 năm sau đó nghỉ sinh 6 tháng được hưởng thai sản rồi. Hiện em đã đi làm lại được 4 tháng tuy nhiên em lại có bầu và dự sinh là tháng 11/2020 thì nếu em đóng đến hết tháng 9/2020 thì em có được hưởng chế độ thai sản không ạ? Khi em đã nghỉ việc hẳn ở công ty trước khi sinh thì em có được đóng BHXH trong thời gian hưởng thai sản không? Hồ sơ hưởng thai sản khi đã nghỉ việc cần giấy tờ gì?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Căn cứ điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Lao động nữ sinh con;
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Như vậy, để hưởng chế độ thai sản thì bạn cần đóng từ đủ 06 tháng BHXH trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Xác định 12 tháng trước khi sinh con căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
“Điều 9. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội; khoản 3 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Như vậy, thời gian 12 tháng trước khi sinh của bạn được xác định từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2020. Bạn đi làm lại được 4 tháng và đóng được đến hết tháng 9/2020 thì trong vòng 12 tháng trước khi sinh của bạn bạn đóng trên 06 tháng do đó bạn đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.
Thứ hai, về việc nghỉ việc hẳn trước khi sinh có được đóng BHXH không
Theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì:
“6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.”
Theo đó:
Người lao động nghỉ chế độ thai sản từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH, BHTN của tháng đó nhưng thời gian nghỉ chế độ thai sản vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và để hưởng BHXH, không được tính là thời gian tham gia BHTN.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có quy định cụ thể:
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội được hướng dẫn như sau:
…
b) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, trường hợp bạn đã chấm dứt hợp đồng lao động trước khi sinh con thì thời gian 6 tháng hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ ba, nghỉ việc trước sinh hồ sơ hưởng thai sản bao gồm những gì?
Căn cứ Điểm 2.2 Khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH như sau:
“2.2. Đối với chế độ thai sản của người đang đóng BHXH: Hồ sơ theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH; khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 5 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 15, 18, 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT;Điều 7 Nghị định số 33/2016/NĐ-CPvà khoản 2 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập và hồ sơ nêu dưới đây:
2.2.2. Lao động nữ sinh con:
a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.”
Như vậy, hồ sơ hưởng chế độ thai sản của bạn bên cạnh sổ BHXH, sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, chứng minh nhân dân thì bạn cần nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con bạn.
Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc bạn vui lòng liên hệ Dịch vụ tư vấn trực tuyến 24/7: 19006172 để được tư vấn trực tiếp.
- Cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thế nào?
- Nộp hồ sơ giám định để hưởng tuất hàng tháng trong thời hạn bao lâu?
- Đóng BHXH 16 năm thì bắt buộc phải nhận tiền 1 lần hay đóng tiếp để nhận hưu
- Hồ sơ để hưởng chế độ tử tuất khi đóng BHXH tự nguyện mất
- Đóng BHYT 5 năm liên tục trở lên vẫn phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh