19006172

Công ty không thanh toán tiền lương nghỉ lễ do dịch Covid

Công ty không thanh toán tiền lương nghỉ lễ do dịch Covid

Cho mình hỏi việc công ty thanh toán tiền lương ngày nghỉ lễ là yêu cầu bắt buộc của luật hay công ty có điều kiện thì chi trả; còn không là người lao động phải nghỉ không lương? Giờ bên mình đang làm online do dịch Covid nên công ty bảo sẽ không thanh toán tiền lương nghỉ lễ trong tháng 4 và tháng 5 năm nay. Mình không biết công ty làm như thế thì có sai không và có thể bị phạt gì không? Mình cám ơn nhiều!



Luật sư tư vấn Luật Lao động trực tuyến 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn về vấn đề công ty không thanh toán tiền lương nghỉ lễ do dịch Covid-19 đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, công ty không thanh toán tiền lương nghỉ lễ do dịch Covid có trái quy định không?

Căn cứ Điều 155 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định như sau:

“Điều 115. Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.”

Theo đó, trong những ngày nghỉ lễ giỗ Tổ hùng Vương (10/3 âm lịch); ngày Chiến thắng 01 ngày (30/4 dương lịch); ngày Quốc tế lao động 01 ngày (01/5 dương lịch) thì người lao động sẽ được nghỉ nhưng công ty vẫn có trách nhiệm tiền lương cho họ.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP (được sửa đổi; bổ sung bởi Nghị định 148/2018/NĐ-CP) cũng quy định cách tính tiền lương ngày nghỉ lễ tết như sau:

Tiền lương theo hợp đồng lao động / Số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động x Số ngày được nghỉ theo quy định

Lưu ý:

Tiền lương ở đây sẽ bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Bạn cho biết hiện nay công ty bạn đang cho người lao động làm online do dịch. Tuy nhiên, công ty đưa ra lý do dịch Covid-19 để không thanh toán tiền lương nghỉ lễ trong tháng 4 và tháng 5 của năm 2020 thì hoàn toàn không đúng với quy định.

Thứ hai, về mức phạt khi công ty không thanh toán tiền lương nghỉ lễ cho nhân viên

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 và Khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 6; khoản 3, 4, 6 Điều 12; khoản 2 Điều 24; khoản 1 Điều 25; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 26; khoản 5 Điều 40; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 41; khoản 2, 4 Điều 42; khoản 1, 2 Điều 43; các khoản 1, 2, 3 Điều 44; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 45 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.

“Điều 17. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết”.

Theo đó, nếu không thanh toán lương ngày nghỉ lễ cho nhân viên thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu là cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu là tổ chức. 

Nếu còn vướng mắc về vấn đề công ty không thanh toán tiền lương nghỉ lễ do dịch Covid-19; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn trực tiếp.

--> Năm 2020 có được nghỉ bù sau khi đi làm vào ngày nghỉ lễ hay không?

luatannam