Công ty có phải đóng bảo hiểm khi thuê lại lao động không?
Cho tôi hỏi hiện nay tôi có nghe nói về hình thức thuê lại lao động mà không hiểu nó là như thế nào vậy ạ? Công ty tôi có mấy lao động đang nghỉ thai sản nên muốn thuê lại lao động để thay thế tạm thì có được không? Nếu được thì công ty tôi có phải đóng bảo hiểm khi thuê lại lao động đó hay không? Tôi cám ơn nhiều!
Dịch vụ tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, hiểu thế nào về thuê lại lao động?
Căn cứ Điều 53 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 53. Cho thuê lại lao động
1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định”.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thứ hai, về vấn đề thuê lại lao động
Căn cứ Điều 4 Nghị định 29/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 4. Mục đích của việc cho thuê lại lao động
1. Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định.
2. Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân.
3. Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao”.
Như vậy, bạn có thể thuê lại lao động để thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản.
Tuy nhiên, bạn chỉ được thuê lại lao động đối với một trong số 20 công việc được hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 29/2019/NĐ-CP và không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 21 Nghị định này. Ngoài ra, công ty bạn phải lý hợp đồng thuê lại lao động với công ty cho thuê lại lao động cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định tại Điều 57 Bộ luật lao động năm 2012.
Thứ ba, về vấn đề đóng bảo hiểm khi thuê lại lao động
Căn cứ quy định tại Điều 57 Bộ luật lao động năm 2012:
“Điều 57. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động
1. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.
2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
3. Thỏa thuận với người lao động thuê lại nếu huy động họ làm đêm, làm thêm giờ ngoài nội dung hợp đồng cho thuê lại lao động.
4. Không được chuyển người lao động đã thuê lại cho người sử dụng lao động khác.
5. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.
6. Trả lại doanh nghiệp cho thuê lại lao động người lao động không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động.
7. Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động”.
Như vậy, nếu thuê lại lao động thì công ty bạn không có trách nhiệm đóng bảo hiểm cho những người lao động này. Trách nhiệm này thuộc về bên cho thuê lại lao động theo quy định tại Điều 56 Bộ luật lao động năm 2012.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ bảo hiểm xã hội trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
--> Những công việc được cho thuê lại lao động
- Đi trồng lại răng giả thì BHYT có chi trả phần nào hay không?
- Khám chữa bệnh bằng căn cước công dân thay cho BHYT
- Cách tính trợ cấp tai nạn lao động đối với công chức nhà nước
- Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng?
- Hướng dẫn từ a-z thủ tục tham gia BHXH lần đầu cho Doanh nghiệp