Nội dung câu hỏi:
Em xin trình bày như sau: Chị em đang trên đường từ nhà đến trường để dạy thì xảy ra tai nạn giao thông với xe khác, gia đình em cũng có báo với trường chị em xảy ra tai nạn và nhờ trường báo cáo dùm chế độ tai nạn lao động nhưng vì trước giờ nhà trường chưa từng xảy ra vụ tai nạn lao động nào nên trường nói không biết vụ này.
Em mới nói trong luật có nói rõ trường hợp của chị em là tai nạn lao động, sau đó em mới nhờ người quen hỏi ở phòng GD để được tư vấn thì phòng GD cũng hướng dẫn trường làm. Trường nói phải có biên bản điều tra tai nạn giao thông xem ai đúng ai sai rồi mới làm biên bản điều tra tai nạn lao động.
Do chị em bị gãy xương đòn trái, chấn thương đầu và do ngã va đập mạnh ảnh hưởng đến dây thần kinh mắt nên nhìn không rõ và sức khỏe chưa hồi phục nên chưa đến công an giao thông làm biên bản để gửi trường và cũng chưa đi giám định y khoa, đến nay chị em đã nghỉ trên 14 ngày để điều trị, nhà trường nói nghỉ trên 14 ngày sẽ cắt lương.
Còn chi phí từ khi sơ cấp cứu đến khi điều trị ổn định phải do người sử dụng lao động chi trả đúng không? Vậy mà trường nói là trường hợp của chị em là phải cắt lương, còn chi phí sơ cứu điều trị thì mình chịu vì nhà trường không có kinh phí. Như vậy trường hợp của chị em khi nghỉ có bị cắt lương không? Có được hưởng chế độ tai nạn lao động không. Xin cảm ơn!
- Có được hưởng chế độ ốm đau khi bị tai nạn giao thông?
- Tai nạn giao thông trên đường đi làm về có phải tai nạn lao động?
- Bị tai nạn trên đường đi làm có được hưởng chế độ TNLĐ
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn. Về vấn đề Bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được hưởng chế độ gì?; chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:
Bị tai nạn giao thông trên đường đi làm có được xác định là tai nạn lao động không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015:
“Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;”
Theo quy định nêu trên, nếu người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm trong khoảng thời gian hợp lí, tuyến đường hợp lí thì trường hợp này sẽ được xác định là tai nạn lao động.
Bị tai nạn giao thông trên đường đi làm có bắt buộc phải có biên bản điều tra tai nạn giao thông không?
Căn cứ tại Điều 23 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định như sau:
Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông (TNGT) khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nơi ở thì Đoàn Điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) tiến hành xác minh, lập biên bản Điều tra TNLĐ căn cứ vào một trong các văn bản, tài liệu sau đây:
1. Hồ sơ giải quyết TNGT của cơ quan cảnh sát giao thông;
2. Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn;
3. Văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn.
Theo quy định này, trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được xác định là tai nạn lao động thì chỉ cần 1 trong 3 loại giấy tờ được quy định là: hồ sơ giải quyết TNGT của cơ quan cảnh sát giao thông, văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn, văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn. chính vì thế, không phải trường hợp nào bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được xác định là tai nạn lao động cũng cần phải có biên bản điều tra tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông.
Bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được hưởng chế độ gì từ bảo hiểm xã hội
-
Trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng
Tại Khoản 1, 2 Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 có quy định như sau:
“Điều 49. Trợ cấp hằng tháng
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp;
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó”
Theo quy định này, người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được xác định là tai nạn lao động có tỉ lệ thương tích là 31% trở lên sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng dựa trên tỉ lệ thương tích và thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội chưa hưởng.
-
Trợ cấp tai nạn lao động một lần
Căn cứ theo tại khoản 1 Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định:
“Điều 48. Trợ cấp một lần
1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp;”
Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.”
Theo quy định trên, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì sẽ nhận trợ cấp tai nạn lao động một lần. Mức hưởng tai nạn lao động 1 lần sẽ được tính dựa vào tỉ lệ suy giảm khả năng lao động và thời gian người lao động bị tai nạn đã tham gia bảo hiểm xã hội trước đó.
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được hưởng chế độ gì từ người sử dụng lao động
Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định:
“Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu; cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;”
Như vậy, theo quy định trên, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động là: Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả; Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Ngoài ra, Tại khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định:
“Điều 39. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động
2. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này.”
Mức trợ cấp của người sử dụng lao động cho người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được xác định là tai nạn lao động theo quy định tại khoản 5 điều 38 luật an toàn vệ sinh lao động 2015 là 40% mức hưởng theo cách tính dưới đây:
– Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
– Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Như vậy, người lao động bị tai nạn giao thông trên đường đi làm còn được người sử dụng lao động trợ cấp 1 khoản tiền tùy thuộc vào tỉ lệ suy giảm khả năng lao động khi lỗi dẫn tới vụ tai nạn giao thông đó là lỗi của người khác hoặc không xác định được người gây ra vụ tai nạn giao thông đó.
Kết luận:
Đối với trường hợp bị tai nạn giao thông trên đường đi làm như của chị bạn nếu chị ấy suy giảm từ 5% khả năng lao động trở lên thì sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động từ cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định;
Ngoài ra, chị của bạn vẫn sẽ được hưởng nguyên lương trong thời gian điều trị, được trả chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định. Nếu lỗi dẫn tới vụ tai nạn giao thông trên đường đi làm đó là của người khác hoặc không xác định được người gây ra vụ tai nạn giao thông đó thì đơn vị nơi chị của bạn đang làm việc còn có trách nhiệm trả 1 khoản tiền trợ cấp cho chị của bạn.
Trên đây là bài viết về vấn đề bị tai nạn giao thông trên đường đi làm được hưởng chế độ gì. Ngoài ra; bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Biên bản của cảnh sát giao thông đối với việc giải quyết chế độ tai nạn lao động
Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn; giải đáp trực tiếp.
- Đang nhận trợ cấp thất nghiệp có được chuyển nơi nhận không?
- Hồ sơ chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động mới nhất
- Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của doanh nghiệp
- Mức chi trả của bảo hiểm y tế khi khám, chữa bệnh đúng tuyến?
- Thời gian nghỉ trước khi sinh con theo quy định hiện hành