Các bước để thay đổi tài khoản ATM nhận lương hưu
Trước đây tôi đã đăng ký nhận lương hưu theo 1 tài khoản ATM nhưng nay tôi muốn chuyển sang 1 tài khoản khác. Vậy các bước để thay đổi tài khoản ATM nhận lương hưu như thế nào nhờ các bạn hỗ trợ giúp! Thủ tục này có bắt buộc phải thực hiện vào thời điểm cụ thể nào trong tháng hay không? Chồng tôi thì lại đang nhận lương hưu bằng tiền mặt nhưng anh ấy đi vắng thì tôi có nhận thay được không? Nếu nhận được thì chúng tôi phải làm thủ tục như thế nào? Mong sớm được giải đáp! Tôi cám ơn nhiều!
- Thủ tục để chuyển nơi hưởng lương hưu năm 2020
- Thủ tục chuyển tiền lương hưu vào tài khoản của người khác?
Dịch vụ hỗ trợ tư vấn chế độ hưu trí trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, các bước để thay đổi tài khoản ATM nhận lương hưu
Căn cứ Mục 1 Phần II – C được ban hành kèm theo Quyết định 777/QĐ-BHXH hướng dẫn các bước để thay đổi tài khoản ATM nhận lương hưu như sau:
Bước 1:
Bạn lập 01 bản Thông báo thay đổi thông tin người hưởng (Mẫu số 2-CBH) nộp cơ quan bưu điện hoặc cơ quan BHXH, ghi rõ: Số tài khoản cá nhân (hoặc thẻ ATM), Ngân hàng nơi mở tài khoản; hoặc nơi nhận chế độ BHXH hàng tháng mới. Nếu có chi phí phát hành thẻ ATM lần đầu, người hưởng nộp chứng từ cho Bưu điện tỉnh hoặc Bưu điện huyện để thanh toán theo quy định.
Bước 2:
a) BHXH huyện tiếp nhận hồ sơ từ bạn hoặc cơ quan bưu điện, lập vào Biểu tổng hợp thay đổi nơi nhận, hình thức nhận BHXH hàng tháng (Mẫu số 9-CBH) ký bằng chữ ký số chuyển qua dữ liệu điện tử gửi BHXH tỉnh để chuyển đổi phương thức lĩnh tiền của người hưởng (từ tài khoản cá nhân sang lĩnh bằng tiền mặt hoặc ngược lại) hoặc thay đổi địa chỉ nơi nhận chế độ BHXH hàng tháng cho người hưởng trong địa bàn tỉnh.
b) BHXH tỉnh thực hiện chuyển đổi phương thức lĩnh tiền hoặc thay đổi địa chỉ nơi nhận chế độ BHXH hàng tháng cho người hưởng trên danh sách chi trả của tháng liền kề.
– Bưu điện tỉnh hoặc Bưu điện huyện khi nhận được chứng từ thu phí phát hành thẻ ATM, thực hiện chi trả ngay bằng tiền mặt cho người hưởng.
Bước 3:
Người hưởng lĩnh phí phát hành thẻ ATM tại Bưu điện tỉnh hoặc Bưu điện huyện (nơi nộp chứng từ thu phí phát hành thẻ ATM lần đầu) ngay trong ngày.
Bạn có thể thực hiện thủ tục trên tại bưu điện hoặc cơ quan BHXH nơi đang chi trả chế độ cho bạn.
Thứ hai, về thời điểm đề nghị thay đổi
Căn cứ Điều 7 Quyết định 166/QĐ-BHXH quy định như sau:
“Điều 7. Giải quyết và chi trả
2.2.1. Trách nhiệm của Bộ phận chế độ BHXH: Từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng thực hiện:
b) Tiếp nhận Thông báo theo mẫu số 2-CBH, đơn theo mẫu số 14-HSB của người hưởng đề nghị chuyển đổi phương thức nhận tiền từ tài khoản cá nhân sang lĩnh bằng tiền mặt hoặc ngược lại, hoặc thay đổi tài khoản cá nhân, hoặc thay đổi địa chỉ nơi nhận chế độ BHXH hàng tháng từ Bộ phận TN – Trả KQ hoặc cơ quan bưu điện chuyển đến để cập nhật bổ sung vào phần mềm quản lý”.
Như vậy, bộ phận chế độ BHXH sẽ tiếp nhận đề nghị thay đổi tài khoản cá nhân từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng. Tuy nhiên, thông thường cơ quan Nhà nước sẽ chỉ làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ ngày nghỉ lễ, nghỉ tết). Bạn có thể căn cứ quy định trên để lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp.
Thứ ba, có ủy quyền nhận lương hưu được không?
Căn cứ Điều 18 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 18. Quyền của người lao động
… 6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
7. Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, chồng của bạn có quyền ủy quyền cho bạn để nhận thay lương hưu hàng tháng.
Thứ tư, về thủ tục ủy quyền nhận thay lương hưu hàng tháng
Thủ tục ủy quyền lĩnh thay lương hưu được hướng dẫn cụ thể tại Mục 2 Phần II – C ban hành kèm theo Quyết định 777/QĐ-BHXH như sau:
Bước 1:
Bạn lập Giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng, nhận thay chế độ BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu số 13-HSB) hoặc lập Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Đến kỳ chi trả, người được ủy quyền nộp Giấy uỷ quyền (Mẫu số 13-HSB) hoặc Hợp đồng ủy quyền cho cơ quan Bưu điện, xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh và ký nhận tiền trên Danh sách chi trả.
Lưu ý: Thời hạn của Giấy ủy quyền theo thỏa thuận của người ủy quyền và người được ủy quyền, nếu không thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền là 01 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền theo quy định của Luật Dân sự.
Bước 2:
– Cơ quan BHXH hoặc cơ quan Bưu điện tiếp nhận Giấy ủy quyền (Mẫu số 13-HSB) hoặc Hợp đồng ủy quyền, kiểm tra Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh và chi tiền cho người được ủy quyền.
– Cơ quan Bưu điện cập nhật thông tin, thời hạn, nội dung ủy quyền tại Mẫu số 13-HSB hoặc Hợp đồng ủy quyền vào hệ thống công nghệ thông tin sau đó nộp Mẫu số 13-HSB hoặc Hợp đồng ủy quyền cho cơ quan BHXH.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về chế độ hưu trí 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
--> Hưởng lương hưu qua thẻ ATM nhưng không đến xác nhận chữ ký