Các trường hợp người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội lần đầu
Tôi chưa tham gia bảo hiểm xã hội ở đâu cả. Vậy, cho tôi hỏi những trường hợp nào người lao động được cấp sổ Bảo hiểm xã hội lần đầu? Thủ tục gia sẽ như thế nào và khi nào thì nhận được sổ? Khi tham gia bảo hiểm thì quyền lợi mà mình nhận được là gì? Mong sớm nhận được giải đáp của các bạn? Xin chân thành cảm ơn!
Với câu hỏi về các trường hợp người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội lần đầu; Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, về các trường hợp người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội lần đầu
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
“Điều 46. Cấp và quản lý sổ BHXH
1. Cấp sổ BHXH lần đầu: Người tham gia BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được cơ quan BHXH cấp sổ BHXH.“
Bên cạnh đó, Điều 99 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“Điều 99. Giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội
1. Việc giải quyết đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;
b) Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp hồ sơ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động nộp hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.”
Theo đó, có 02 trường hợp người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội lần đầu.
Trường hợp 1:
Người lao động lần đầu tiên tham gia quan hệ lao động, kí kết loại HĐLĐ thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp 2:
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu cũng được cấp sổ bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, về thủ tục tham gia BHXH lần đầu
Căn cứ Điều 23 và Điều 24 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì thủ tục tham gia BHXH như sau:
– Nếu bạn tham gia BHXH bắt buộc:
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm có:
1.1. Người lao động
+) Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
+) Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
1.2. Đơn vị:
+) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
+) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-LT được ban hành kèm theo Quyết định 1040/QĐ-BHXH).
+) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Hồ sơ trên sẽ được nộp tới cơ quan BHXH cấp huyện nơi đơn vị bạn đang có trụ sở hoặc chi nhánh.
– Nếu bạn tham gia BHXH tự nguyện:
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm có:
+) Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
+) Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.
+) Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Hồ sơ trên sẽ được nộp tới cơ quan BHXH cấp huyện nơi bạn đang có sổ hộ khẩu hoặc tạm trú.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Tham gia BHXH tự nguyện có bao gồm BHYT và BHTN
Dịch vụ tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về thời điểm bạn được cấp sổ BHXH
Căn cứ Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“Điều 29. Cấp sổ BHXH
1. Cấp mới: Đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2. Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; sổ BHXH do mất, hỏng; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH: không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết.
3. Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
4. Xác nhận sổ BHXH: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định”.
Như vậy, đối với người tham gia BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện thì thời hạn cấp mới đều là không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Thứ tư, về các chế độ được hưởng khi tham gia bảo hiểm
Căn cứ Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất”.
Như vậy:
Nếu bạn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ được hưởng các chế độ sau đây: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí và Tử tuất.
Nếu bạn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sẽ chỉ được hưởng 02 chế độ là Hưu trí và Tử tuất.
Trên đây là bài viết về vấn đề các trường hợp người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội lần đầu. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện để hưởng lương hưu cao hơn
Nếu còn vướng mắc về vấn đề các trường hợp người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội lần đầu; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Đóng đồng thời BHXH bắt buộc và tự nguyện có được không?