19006172

Có được nhận tiếp trợ cấp TNLĐ khi thay đổi nơi cư trú?

Có được nhận tiếp trợ cấp TNLĐ khi thay đổi nơi cư trú?

Tôi bị TNLĐ suy giảm 31% khả năng lao động thì trợ cấp hàng tháng của tôi được tính nhận từ khi nào? Liệu tôi có được nhận tiếp trợ cấp TNLĐ khi thay đổi nơi cư trú như vậy không? Nếu được nhận tiếp thì tôi phải làm thủ tục như thế nào? Xin cám ơn!



Trợ cấp TNLĐ khi thay đổi nơi cư trú

Luật sư tư vấn chế độ tai nạn lao động trực tuyến 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, khi nào bắt đầu được hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng?

Căn cứ theo quy định tại Điều 50 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015:

“1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật này được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trongtrường hợp không điều trị nội trú.

Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.”

Theo đó, thời điểm bắt đầu được hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng được xác định như sau:

– Trường hợp điều trị nội trú: tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện.

– Trường hợp không điều trị nội trú: tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

– Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện: tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Thứ hai, có được nhận tiếp trợ cấp TNLĐ khi thay đổi nơi cư trú?

Căn cứ Khoản 3 Điều 49 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định:

“Điều 49. Trợ cấp hằng tháng

3. Việc tạm dừng, hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Luật bảo hiểm xã hội; hồ sơ, trình tự giải quyết hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng thực hiện theo quy định tại Điều 113 và Điều 114 của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 của Luật bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; việc quyết định chấm dứt hưởng phải căn cứ vào kết luận, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Theo đó, nếu không có kết luận, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp TNLĐ hàng tháng thì người lao động sẽ được nhận trợ cấp này đến khi qua đời. Do đó, khi bạn thay đổi nơi cư trú thì vẫn được nhận tiếp trợ cấp TNLĐ hàng tháng; nhưng sẽ phải làm thủ tục để di chuyển trợ cấp theo nơi cư trú.

Thứ ba, về thủ tục để chuyển trợ cấp TNLĐ hàng tháng trong cùng địa bàn tỉnh

Mục 1 Phần II – C được ban hành kèm theo Quyết định 777/QĐ-BHXH hướng dẫn vấn đề này như sau:

Bước 1:

Bạn lập 01 bản Thông báo thay đổi thông tin người hưởng (Mẫu số 2-CBH) nộp cơ quan bưu điện hoặc cơ quan BHXH, ghi rõ: Số tài khoản cá nhân (hoặc thẻ ATM), Ngân hàng nơi mở tài khoản; hoặc nơi nhận chế độ BHXH hàng tháng mới. Nếu có chi phí phát hành thẻ ATM lần đầu, người hưởng nộp chứng từ cho Bưu điện tỉnh hoặc Bưu điện huyện để thanh toán theo quy định.

Bước 2:

a) BHXH huyện tiếp nhận hồ sơ từ bạn hoặc cơ quan bưu điện, lập vào Biểu tổng hợp thay đổi nơi nhận, hình thức nhận BHXH hàng tháng (Mẫu số 9-CBH) ký bằng chữ ký số chuyển qua dữ liệu điện tử gửi BHXH tỉnh để chuyển đổi phương thức lĩnh tiền của người hưởng (từ tài khoản cá nhân sang lĩnh bằng tiền mặt hoặc ngược lại) hoặc thay đổi địa chỉ nơi nhận chế độ BHXH hàng tháng cho người hưởng trong địa bàn tỉnh.

b) BHXH tỉnh thực hiện chuyển đổi phương thức lĩnh tiền hoặc thay đổi địa chỉ nơi nhận chế độ BHXH hàng tháng cho người hưởng trên danh sách chi trả của tháng liền kề.

– Bưu điện tỉnh hoặc Bưu điện huyện khi nhận được chứng từ thu phí phát hành thẻ ATM, thực hiện chi trả ngay bằng tiền mặt cho người hưởng.

Bước 3:

Người hưởng lĩnh phí phát hành thẻ ATM tại Bưu điện tỉnh hoặc Bưu điện huyện (nơi nộp chứng từ thu phí phát hành thẻ ATM lần đầu) ngay trong ngày.

Thứ tư, về thủ tục để chuyển trợ cấp TNLĐ hàng tháng sang tỉnh khác

Mục 12 Phần I – C được ban hành kèm theo Quyết định 777/QĐ-BHXH hướng dẫn các bước để chuyển trợ cấp tuất hàng tháng từ tỉnh này sang tỉnh khác như sau:

Bước 1:

Bạn nộp Đơn đề nghị chuyển nơi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng theo mẫu số 14-HSB (được ban hành kèm theo Quyết định 116/QĐ-BHXH) cho BHXH huyện hoặc BHXH tỉnh nơi đang chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng

Bước 2:

– BHXH tỉnh/huyện nơi chuyển đi: Tiếp nhận hồ sơ từ người hưởng, lập Thông báo theo mẫu số 23-HSB trả người hưởng;

– BHXH tỉnh/huyện nơi chuyển đến:

Khi nhận được Thông báo chuyển hưởng, cập nhật ngay vào danh sách chi trả và tổ chức chi trả cho người hưởng tại địa điểm nơi người hưởng đăng ký; đồng thời cơ quan BHXH nhắn tin đến người hưởng về thời gian, địa điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng

Bước 3

Bạn đến nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, thẻ BHYT (nếu thuộc đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT) theo thời gian và địa điểm ghi trong Thông báo (Mẫu số 23-HSB).

Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến chế độ tai nạn lao động 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

--> Có được tiếp tục nhận trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng khi nghỉ việc

luatannam