Cộng nối thời gian đóng BHXH trước năm 1995 như thế nào?
Bố tôi công tác trong khu vực nhà nước được 10 năm; đến tháng 1 năm 1995 thì bố tôi nghỉ công tác vì bị bệnh và chưa nhận bất cứ chế độ gì vì lúc đó cũng chưa có sổ bảo hiểm. Từ năm 1996 đến nay bố tôi vào làm việc cho công ty tư nhân. Đến tháng 2/2021 bố tôi đủ tuổi để về hưu thì sẽ đóng được ở công ty 24 năm.
Vậy bố tôi có được cộng nối thời gian đóng BHXH trước năm 1995 không và phải làm thủ tục như thế nào? Sau bao lâu thì bố tôi mới được giải quyết xong cộng nối? Có phải sau khi cộng nối bố tồi sẽ được hưởng lương hưu ở mức 75% đúng không? Tôi cám ơn!
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi Cộng nối thời gian đóng BHXH trước năm 1995 như thế nào của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vấn đề cộng nối thời gian đóng BHXH trước năm 1995
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 23. Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội
1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:
a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;”
Bạn cho biết bố của bạn công tác trong khu vực Nhà nước được 10 năm; đến tháng 1/1995 thì bố của nghỉ công tác vì bị bệnh. Bố của bạn cũng chưa nhận bất cứ chế độ nào. Đối chiếu quy định trên thì bố của bạn sẽ được cộng nối thời gian đóng BHXH trước năm 1995.
Thứ hai, về thủ tục cộng nối thời gian đóng BHXH trước năm 1995
Khoản 3 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
“Điều 27. Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT
3. Ghi xác nhận thời gian đóng BHXH cho người tham gia được cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH và điều chỉnh làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước năm 1995
3.1. Thành phần hồ sơ
a) Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1 -TS).
b) Hồ sơ kèm theo (Mục 1, 2 Phụ lục 01).
3.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ”.
Đối chiếu Phụ lục 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm có:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1 -TS).
– Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của bố bạn, quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan khác như: quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác, quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương….;
Hồ sơ trên nộp cho công ty hoặc nộp tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi bạn đã tham gia BHXH trước khi nghỉ việc.
Thứ ba, về thời hạn giải quyết hồ sơ cộng nối BHXH
Căn cứ Khoản 2 Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“Điều 29. Cấp sổ BHXH
2. Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; sổ BHXH do mất, hỏng; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH hoặc gộp sổ BHXH: không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết”.
Theo đó, thời hạn giải quyết đề nghị cộng nối thời gian đóng BHXH là không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi bố của bạn có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho bố của bạn.
Thứ tư, về vấn đề hưởng lương hưu với tỷ lệ 75%
Theo Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.”
Bạn cho biết tháng 2/2021 bố của bạn đủ tuổi và đóng BHXH được 24 năm ở công ty; sau khi cộng nối 10 năm trước đó bố của bạn sẽ có 34 năm đóng BHXH. Khi đó, mức lương hưu của bố bạn được tính như sau:
+ 19 năm đầu được tính bằng 45%;
+ Từ năm 20 đến năm 34 là 15 năm, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2% bằng: 15 x 2% = 30%
+ Tổng hai tỷ lệ trên bằng 45 + 30 = 75%.
Như vậy, khi nghỉ hưu bố của bạn sẽ được hưởng mức tối đa hưởng lương hưu là 75% mức bình quân tiền lương đóng BHXH.
Nếu còn vướng mắc về Cộng nối thời gian đóng BHXH trước năm 1995 như thế nào; xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7 về bảo hiểm xã hội 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
--> Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí và thời gian nộp
- Thủ tục thay đổi nơi đăng ký KCB năm 2023
- Bị mất bìa sổ bảo hiểm có rút được BHXH 1 lần hay không?
- Phạt doanh nghiệp khi không chịu trả hồ sơ cho người lao động
- Thủ tục chuyển nơi hưởng lương hưu từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh
- Có được hưởng bảo hiểm y tế khi thẻ hết hạn trong quá trình điều trị?