Đóng bảo hiểm cho người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp
Em ở công ty P.T tại Sài Gòn ạ! Cho em hỏi công ty có phải đóng bảo hiểm y tế, thất nghiệp và xã hội cho người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp không ạ? Nếu có thì mức đóng và thủ tục như thế nào ạ? Em cám ơn nhiều!
- Mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài
- Các trường hợp người nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam
Luật sư tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc đóng bảo hiểm y tế cho người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp
Căn cứ hướng dẫn tại Công văn 288/BHXH-QLT ngày 18/02/2020 của Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh:
“Đối tượng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức di chuyển nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ gồm: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng thì không thuộc đối tượng đóng BHYT.”
Như vậy, người lao động nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP thì không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm y tế bắt buộc tại Việt Nam.
Thứ hai, về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp
Căn cứ Khoản 1 Điều 3 và Điều 43 Luật việc làm năm 2013 quy định như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc”.
“Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng…. “
Như vậy, người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc tại Việt Nam.
Thứ ba, về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người di chuyển nội bộ doanh nghiệp
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;”
Như vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ bảo hiểm xã hội trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
--> Các chế độ người nước ngoài được hưởng khi tham gia BHXH bắt buộc