Giáo viên có được tăng lương theo lương tối thiểu vùng?
Giáo viên có được tăng lương theo lương tối thiểu vùng? Xin chào tổng đài tư vấn! Tôi nghe nói là năm 2020 vừa rồi có tăng lương tối thiểu vùng thì chính thức triển khai từ bao giờ thế ạ? Vợ tôi là giáo viên thì có được tăng lương theo lương tối thiểu vùng hay không? Tôi hiện đã nghỉ việc và đang nhận trợ cấp thất nghiệp; còn bố của tôi đang nhận lương hưu. Xin hỏi mức hưởng chế độ của bố con tôi có được tăng lên hay không? Rất mong nhận được tư vấn của các bạn! Tôi cám ơn nhiều!
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi Giáo viên có được tăng lương theo lương tối thiểu vùng của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thời điểm thực hiện tăng lương tối thiểu vùng
Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thực hiện
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”.
Như vậy, từ ngày 01/01/2020 mức lương tối thiểu vùng mới sẽ được áp dụng; cụ thể như sau:
– Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
– Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
– Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
– Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Thứ hai, Giáo viên có được tăng lương theo lương tối thiểu vùng?
Căn cứ Điều 1 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động”.
Bên cạnh đó, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 3. Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng”.
Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi xin được tư vấn cho bạn theo 02 trường hợp sau:
– Nếu vợ của bạn làm việc theo hợp đồng làm việc
Trường hợp này vợ của bạn được tính lương dựa theo lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng. Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ không tác động đến tiền lương của vợ bạn.
– Nếu vợ của bạn làm việc theo hợp đồng lao động
Trường hợp này thì nếu mức lương vợ bạn nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới thì sẽ được điều chỉnh tăng. Vợ bạn là lao động đã qua đào tạo thì được nhận thêm ít nhất là 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là bao nhiêu?
Thứ ba, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tăng theo lương tối thiểu vùng
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 3 Điều 50 Luật việc làm năm 2013 quy định như sau:
“Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp…
… 3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này”.
Như vậy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi bạn nghỉ việc. Và cũng không có quy định nào hướng dẫn về vấn đề điều chỉnh mức hưởng TCTN trong quá trình hưởng trợ cấp. Do đó, tháng 1/2020 khi tăng lương tối thiểu vùng tăng thì bạn vẫn hưởng theo mức trợ cấp được ghi trong Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thứ tư, mức hưởng lương hưu khi tăng theo lương tối thiểu vùng
Căn cứ Điều 57 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 57. Điều chỉnh lương hưu
Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội”.
Mặt khác, như đã đề cập ở trên thì lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ không làm ảnh hưởng đến lương hưu của bố bạn. Chỉ khi Nhà nước có quy định về tăng lương cơ sở thì lương hưu của bố bạn mới được điều chỉnh tăng.
Trên đây là bài viết về vấn đề Giáo viên có được tăng lương theo lương tối thiểu vùng?Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Một số thay đổi về chế độ hưu trí trong năm 2021
Nếu còn vướng mắc về Giáo viên có được tăng lương theo lương tối thiểu vùng; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về bảo hiểm xã hội 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng bảo hiểm
- Sử dụng thẻ BHYT khi công ty báo giảm nghỉ không lương muộn
- Thủ tục giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi
- Những chi phí khám chữa bệnh nào được thanh toán lại?
- Điều kiện nghỉ hưu đối với nữ dưới 50 tuổi thuộc diện tinh giản biên chế
- Bảo hiểm y tế có thanh toán khi đi khám bệnh vào cuối tuần không?