Hồ sơ báo giảm lao động khi người lao động nghỉ thai sản
Hồ sơ báo giảm lao động khi người lao động nghỉ thai sản? Chào anh chị Tổng đài tư vấn! Công ty tôi có 1 chị mang thai nhưng đến tuần thứ 15 thì bị chết lưu. Xin hỏi trường hợp này chị ấy sẽ nghỉ bao lâu? Thời gian này công ty có phải báo giảm không? Nếu có thì hồ sơ báo giảm lao động khi người lao động nghỉ thai sản cần phải nộp những loại giấy tờ gì? Trong thời gian nghỉ này chị ấy có được hưởng nhiều tiền không? Xin cảm ơn?
Với trường hợp Hồ sơ báo giảm lao động khi người lao động nghỉ thai sản của bạn Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, về thời gian nghỉ chế độ khi thai 15 tuần chết lưu
Căn cứ Điều 33 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 33. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần”.
Đối chiếu quy định trên thì khi lao động nữ công ty bạn bị thai chết lưu ở tuần thứ 15 thì sẽ được nghỉ hưởng chế độ tối đa là 40 ngày. Thời gian nghỉ cụ thể sẽ theo chỉ định của bác sĩ và tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Thứ hai, về vấn đề báo giảm người lao động nghỉ thai sản
Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 32 và Khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ- BHXH:
“1. Đơn vị sử dụng lao động
1.1. Nhận hồ sơ của người lao động theo quy định tại Điều 23, Điều 27.
1.2. Kê khai hồ sơ
a) Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT hằng tháng: theo quy định tại Điều 23.”
“Điều 42. Quản lý đối tượng
6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động”.
Như vậy, khi người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng các loại bảo hiểm. Vì thế, nếu người lao động công ty bạn thuộc trường hợp nêu trên thì công ty cần lập hồ sơ điều chỉnh giảm lao động.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Có phải báo giảm và trả thẻ BHYT khi lao động nữ nghỉ thai sản không?
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về hồ sơ báo giảm lao động khi nghỉ thai sản:
Căn cứ Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:
“1. Thành phần hồ sơ
1.1. Người lao động
a) Đối với người lao động đang làm việc tại đơn vị:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
– Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
1.2. Đơn vị:
a) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).
c) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ”.
Theo đó, để báo giảm lao động nghỉ thai sản, đơn vị bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
– Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-LT được ban hành mới nhất kèm theo Quyết định 1040/QĐ-BHXH năm 2020).
– Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Thứ tư, về vấn đề hưởng lương và trợ cấp bảo hiểm khi nghỉ do thai chết lưu
Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản
Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy địnhtại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày”.
Mức hưởng thai sản của người lao động khi hưởng chế độ thai chết lưu được xác định theo công thức sau:
100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản / 30 ngày x Số ngày nghỉ theo chỉ định của bác sĩ
Trên đây là bài viết về vấn đề Hồ sơ báo giảm lao động khi người lao động nghỉ thai sản.
Nếu còn vướng mắc về hồ sơ báo giảm lao động khi người lao động nghỉ thai sản; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn bảo hiểm thai sản trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
->HĐLĐ hết hạn trong thời gian thai sản thì công ty có phải báo giảm không