Hồ sơ giải quyết tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt
Hồ sơ giải quyết tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt? Tôi là công nhân xây dựng của công ty CP xây lắp UCECO. Trong quá trình xây lắp cột điện tại công trình tôi có bị ngã từ trên cao xuống và bị gãy xương đùi. Tôi nghe nói rằng phải sau quá trình điều trị ổn định mới được giám định để xác định mức hưởng bảo hiểm chế độ tai nạn lao động. Tuy nhiên trong quá trình chờ giám định, tôi muốn mua xe lăn để tiện trong quá trình sinh hoạt thì có được bảo hiểm chi trả không?
Và hồ sơ giải quyết như thế nào? Ngoài ra trường hợp của tôi có được sắp xếp công việc khác nhẹ nhàng hơn và được hỗ trợ tiền cho người chăm sóc tôi hay không? Tôi cám ơn nhiều!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi hồ sơ giải quyết tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt tới Tổng đài tư vấn. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt
Căn cứ Điều 51 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
“Điều 51. Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình
1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, niên hạn, mức tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và hồ sơ, trình tự thực hiện”.
Như vậy, việc bạn có được mua xe lăn hay không căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật của bạn và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.
Thứ hai, về hồ sơ giải quyết tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt
Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 166/QĐ-BHXH quy định như sau:
“a) Trường hợp bị TNLĐ, BNN lần đầu:
a1) Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (tương đương mức suy giảm KNLĐ 61%), nếu GĐYK mà tỷ lệ suy giảm KNLĐ cao hơn 61% thì hồ sơ hưởng chế độ BNN trong trường hợp này phải có Biên bản GĐYK.
a2) Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ hoặc BNN.
a3) Trường hợp bị BNN mà không điều trị nội trú thì có thêm giấy khám BNN.
a4) Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp PTTGSH (nếu có).
a5) Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ, BNN theo mẫu số 05A-HSB”.
Như vậy, nếu trong trường hợp bạn được chỉ định mua xe lăn, bạn cần chuẩn bị Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt và nộp cho doanh nghiệp nơi bạn hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Vì chế độ này được giải quyết đồng thời cùng với chế độ trợ cấp tai nạn lao động nên hiện tại khi chưa có kết luận giám định, bạn chưa thể đề nghị hỗ trợ tiền mua xe lăn.
Bạn có thể tham khảo các bài viết: Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động mới nhất
Tư vấn chế độ tai nạn lao động trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về việc được sắp xếp vị trí việc làm khác
Căn cứ Khoản 8 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định như sau:
“Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;”
Như vậy, theo quy định hiện hành, bạn bị tai nạn lao động thì sau khi điều trị, phục hồi chức năng mà còn tiếp tục làm việc sẽ được công ty sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Thứ tư, về vấn đề trợ cấp phục vụ
Căn cứ Điều 52 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định như sau:
“Điều 52. Trợ cấp phục vụ
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở”.
Như vậy, hằng tháng bạn sẽ được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở nếu đáp ứng đồng thời 02 điều kiện sau đây:
– Kết quả giám định suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động của bạn thể hiện bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần.
Trên đây là bài viết về vấn đề hồ sơ giải quyết tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt. Bạn có thể tham khảo các bài viết: Quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động
Mọi vấn đề còn vướng mắc về hồ sơ giải quyết tiền cấp mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Trách nhiệm của công ty khi nhân viên bị tai nạn lao động
- Lao động nữ đã nghỉ việc thì có được hưởng chế độ thai sản không?
- Hồ sơ hưởng chế độ thai sản trường hợp sau khi sinh con người mẹ chết
- Hướng dẫn điền mẫu 01B-HSB để hưởng chế độ thai sản theo quy định
- Cách tính và mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần
- Chi trả tiền TCTN theo từng tháng một hay nhận luôn một lần?