Chế độ thai sản khi công ty đang nợ tiền
Em có thắc mắc về chế độ thai sản và một số vấn đề liên quan đến đóng BHXH mong nhận được sự tư vấn từ phía luật sư.
Em vào làm công ty từ tháng 06/2019, đến tháng 08/2020 công ty mới bắt đầu đóng BHXH cho em. Em đóng BHXH với mức lương là 6.350.000VNĐ.
Khoảng tháng 10/2020 thì em có thai. Đến tháng 11/2020 thì em bị động thai phải nghỉ dưỡng ở nhà (có giấy xác nhận của bệnh viện), đến tháng 02/2021 thì em bắt đầu đi làm lại. Hàng tháng tính từ thời điểm được công ty đóng BHXH, em vẫn bị trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó 3 tháng em nghĩ dưỡng ở nhà đều phải chịu 100% tiền để đóng BHXH.
Tới cuối tháng 06/2021 này em sinh. Lúc này em có hỏi công ty về vụ BHXH lâu nay được đóng và chế độ nghỉ thai sản sắp tới thì mới biết công ty lâu nay không đóng BHXH cho nhân viên, đang nợ tiền bảo hiểm từ tháng 10/2020. Tính ra từ lúc có thai cho đến nay, công ty chưa đóng được tháng nào cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Em có hỏi bên công ty thì nhận được câu trả lời là không có tiền để đóng bảo hiểm (trong khi hàng tháng vẫn đều đặn trừ tiền nhân viên).
Cho em hỏi công ty đã vi phạm luật lao động như thế nào? Và giờ có cách nào để em đòi lại được quyền lợi của mình về BHXH cũng như chế độ thai sản sắp tới em nghỉ sinh không?
- Bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi công ty cũ nợ tiền BHXH
- Quyền lợi của người lao động khi công ty giải thể và nợ tiền BHXH
- Điều kiện tính hưởng chế độ thai sản mới nhất
Tư vấn chế độ thai sản:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Tổng đài tư vấn. với trường hợp của bạn; chúng tôi xin được trả lời bạn như sau:
– Thứ nhất, về vấn đề không đóng BHXH cho bạn:
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;”
Như vậy:
Trong năm 2021 khi người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên thì phải tham gia BHXH. Trong trường hợp của bạn, bạn kí hợp đồng lao động với công ty từ tháng 6/2019 và liên tục làm việc tại công ty từ đó đến nay. Tuy nhiên công ty không tham gia BHXH từ thời điểm tháng 06/2019 cho bạn mà phải tới tháng 8/2020 mới đóng BHXH. Như vậy, công ty đã vi phạm pháp luật về bảo hiểm.
Đối với trường hợp này, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn hoặc khiếu nại lên Phòng lao động – thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở để bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong trường hợp người sử dụng lao động không giải quyết cho bạn hoặc giải quyết mà bạn không thấy thỏa đáng, bạn cũng có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở yêu cầu Tòa giải quyết.
Để biết thêm chi tiết, mời bạn tham khảo bài viết: Công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động bị phạt như thế nào?
– Thứ hai, về việc trong 03 tháng bạn nghỉ dưỡng thai, bạn vẫn đóng 100% tiền đóng BHXH
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội thì người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên, có làm việc và hưởng lương tại công ty thì mới được tham gia BHXH.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:
“Điều 85. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
……………………….
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản“.
Theo quy định của pháp luật, người lao động nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH của tháng đó. Tuy nhiên, bạn nghỉ dưỡng thai 3 tháng nhưng bạn vẫn phải đóng 100% tiền BHXH. Điều này hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, khi bạn nghỉ việc 3 tháng để dưỡng thai, công ty bạn có trách nhiệm làm thủ tục báo giảm lao động, và trong 3 tháng này bạn không phải tham gia BHXH.
Tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24/7: 1900 6172
– Thứ ba, về vấn đề hưởng chế độ thai sản khi công ty nợ tiền bảo hiểm
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
……
b) Lao động nữ sinh con;
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi“.
Như vậy:
Theo quy định của pháp luật, khi người lao động đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh thì được hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp này, bạn sắp sinh con và nếu có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, do công ty đang nợ BHXH nên cơ quan BHXH sẽ tạm thời chưa thanh toán chế độ thai sản của bạn cho đến khi công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết:
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản và thời gian nộp
Cách tính mức hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ nghỉ sinh con
Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề gì thắc mắc về chế độ thai sản khi công ty nợ tiền bảo hiểm; vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Đối tượng áp dụng tính tiền trượt giá khi nhận bảo hiểm xã hội một lần
- Khi nào thì người mẹ được giải quyết chế độ chăm con ốm
- Nghỉ công ty làm việc tự do thì cần làm gì để lãnh lương hưu hàng tháng?
- Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ được hưởng TCTN không?
- Có được tham gia đóng BHXH tự nguyện ở nơi không có sổ tạm trú?