Nghỉ việc có phải làm thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Nghỉ việc có phải làm thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Tôi là nam, năm nay 32 tuổi, đã tham gia đóng bảo hiểm được 10 năm. Hiện nay, tôi đã nghỉ việc và đang giữ sổ bảo hiểm. Tôi muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện kinh tế. Vài năm nữa tôi mới tham gia bảo hiểm lại có được không? Tôi có phải làm thủ tục gì với cơ quan bảo hiểm để bảo lưu thời gian 10 năm đã đóng bảo hiểm của tôi không?
Tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện thì cần làm thủ tục như thế nào? Tôi muốn đóng tiền luôn cho 10 năm còn lại thì có được không? Trong thời gian đóng tự nguyện tôi có được hưởng các chế độ tương tự như khi đóng bắt buộc tại công ty hay không? Tôi cám ơn nhiều!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi nghỉ việc có phải làm thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tới Tổng đài tư vấn. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề nghỉ việc có phải làm thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
“Điều 61. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, khi người lao động chưa đáp ứng các điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội trước đó sẽ được bảo lưu.
Trong trường hợp này, bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 10 năm thì thời gian tham gia này của bạn sẽ được tự động bảo lưu mà không cần phải làm thủ tục bảo lưu.
Thứ hai, về thủ tục tham gia BHXH tự nguyện
Căn cứ quy định tại Điều 26 Quyết định 595/QĐ-BHXH:
“Điều 24. Đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện; cấp sổ BHXH
1. Thành phần hồ sơ:
1.1. Người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
1.2. Đại lý thu/Cơ quan BHXH (đối với trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.“
Như vậy, bạn cần chuẩn bị Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS theo Quyết định 505/QĐ-BHXH) nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi bạn cư trú để tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, khi đi nộp hồ sơ bạn cần chuẩn bị thêm sổ BHXH ở công ty cũ cùng với chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu/ sổ tạm trú của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết sau: Tư vấn về đối tượng và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay
Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
Thứ ba, về vấn đề đóng BHXH tự nguyện cho 10 năm còn thiếu
Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 9. Phương thức đóng
Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Đóng hằng tháng;
b) Đóng 03 tháng một lần;
c) Đóng 06 tháng một lần;
d) Đóng 12 tháng một lần;
đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;
e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu”.
Như vậy, chỉ có nam đã đủ 60 tuổi; nữ đã đủ 55 tuổi mới có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho 10 năm còn thiếu. Trong khi đó bạn hiện nay mới 32 tuổi nên chưa thể đóng luôn cho 10 năm còn thiếu như vậy. Bạn chỉ có thể lực chọn đóng hằng tháng; đóng 03 tháng một lần; đóng 06 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; hoặc nhiều nhất bạn cũng chỉ có thể đóng cho 5 năm về sau.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết sau: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mới nhất 2019
Thứ tư, về các chế độ khi tham gia BHXH tự nguyện
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất”.
Như vậy, khi bạn tham gia BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp thì sẽ được hưởng các chế độ bao gồm: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Còn khi tham gia BHXH tự nguyện bạn sẽ chỉ được hưởng 02 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Trên đây là bài viết về vấn đề nghỉ việc có phải làm thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Nếu còn vướng mắc về vấn đề nghỉ việc có phải làm thủ tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về bảo hiểm xã hội 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Đóng bảo hiểm 12 tháng có được thanh toán bảo hiểm một lần không?
- Viên chức có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp khi đi làm không?
- Cấp thẻ BHYT cho thân nhân người bị chất độc màu da cam
- Cấp lại giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai khi bị mất có được không?
- Công ty không chốt sổ thì người lao động tự chốt có được không?