Mức bồi thường tai nạn lao động năm 2023 được tính như thế nào?
Người lao động công ty em bị tai nạn cuối năm 2022 nhưng mới có kết quả giám định đầu năm nay. Người này bị suy giảm 32% khả năng lao động và biên bản điều tra tai nạn lao động xác định người này không có lỗi.
Vậy cho em hỏi mức bồi thường tai nạn lao động năm 2023 mà công ty em phải trả cho người lao động được tính như thế nào ạ? Tiền này được tính theo lương đóng bảo hiểm đúng không ạ? Công ty em tính xong thì trả luôn cho người lao động là xong hay phải làm thêm thủ tục gì không ạ? Và có yêu cầu thời hạn chi trả không? Em cám ơn!
- Chi phí y tế công ty phải thanh toán khi người lao động bị TNLĐ?
- Có phải trả lương khi người lao động nghỉ điều trị tai nạn lao động?
Dịch vụ tư vấn chế độ tai nạn lao động trực tuyến 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về cách tính mức bồi thường tai nạn lao động năm 2023
Điểm b Khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
“3. Mức bồi thường:
Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này được tính như sau:
b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này:
Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}
Trong đó:
– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
– 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
– a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%”.
Bạn cho biết người lao động công ty bạn bị suy giảm 32% khả năng lao động và biên bản điều tra tai nạn lao động xác định người này không có lỗi. Áp dụng công thức trên thì mức bồi thường mà công ty bạn phải chi trả cho người này là: 1,5 + {(32 – 10) x 0,4} = 10,3 tháng tiền lương.
Thứ ba, về tiền lương tính trợ cấp TNLĐ do cơ quan bạn chi trả
Căn cứ quy định tại Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 6 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH:
“1. Tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.
Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động, thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
2. Mức tiền lương tháng quy định tại Khoản 1 Điều này được xác định cụ thể theo từng đối tượng như sau:
b) Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương ghi trên hợp đồng lao động, bao gồm cả tiền lương theo công việc, chức danh và phụ cấp lương (nếu có);”
Như vậy, tiền lương tính mức bồi thường tai nạn lao động mà công ty bạn chi trả cho người lao động được tính dựa trên bình quân tiền lương ghi trên hợp đồng lao động; bao gồm cả tiền lương theo công việc, chức danh và phụ cấp lương (nếu có) của 6 tháng liền kề trước khi người đó bị tai nạn lao động.
Thứ ba, về thủ tục để chi trả tiền bồi thường tai nạn lao động
Theo Điều 7 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH thì trường hợp này công ty bạn có trách nhiệm lập hồ sơ bồi thường gồm các tài liệu sau:
– Biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương;
– Biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động);
– Bản sao có giá trị pháp lý biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông của công an giao thông hoặc giấy xác nhận của công an khu vực hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương;
Quyết định bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động của người sử dụng lao động (theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH).
Lưu ý:
Hồ sơ nêu trên phải được lập thành 3 bộ, trong đó:
– Công ty bạn giữ 01 bộ;
– Người lao động bị tai nạn lao động giữ 01 bộ;
– 01 bộ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi công ty bạn có trụ sở chính, trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định bồi thường tai nạn lao động.
Thứ tư, về thời hạn chi trả tiền bồi thường tai nạn lao động
Căn cứ Khoản 2 Điều 8 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
“Điều 8. Thời hạn thực hiện bồi thường, trợ cấp
2. Tiền bồi thường, trợ cấp phải được thanh toán một lần cho người lao động hoặc thân nhân của họ, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động ra quyết định”.
Theo đó, công ty bạn phải thanh toán một lần số tiền bồi thường nêu trên cho người lao động trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ra quyết định bồi thường.
Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến chế độ tai nạn lao động 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
--> Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động
- Đóng bảo hiểm 4 năm 7 tháng được hưởng BHXH 1 lần như nào?
- Các hình thức để gia hạn thẻ BHYT khi sắp hết hạn mới nhất
- Địa chỉ nơi ở khác với chứng minh và sổ hộ khẩu thì có được nhận BHXH 1 lần?
- Đóng 11 tháng bảo hiểm có được nhận bhxh một lần hay không?
- Không gộp sổ bảo hiểm có được nhận BHTN hay không?