19006172

Nên tiếp tục đóng BHXH ở công ty hay đóng tự nguyện

Nên tiếp tục đóng BHXH ở công ty hay đóng tự nguyện

Xin chào tổng đài tư vấn bảo hiểm xã hội! Tôi năm nay 44 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội ở công ty được 17 năm. Tôi đang phân vân không biết là mình nên tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội ở công ty hay đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở địa phương để sau này nhận lương hưu. Vì hiện tại, công ty bắt tôi phải đóng toàn bộ tiền bảo hiểm là 32% nên tôi thấy số tiền đóng hàng tháng hơi nhiều. Mong anh, chị tư vấn giúp cho tôi. Xin cảm ơn anh, chị rất nhiều!



tiếp tục đóng BHXH ở công ty

Luật sư tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 19006172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, mức đóng bảo hiểm xã hội ở công ty và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

a. Mức đóng bảo hiểm xã hội ở công ty.

Căn cứ tại điểm 1.1 Khoản 1 và điểm 2.2 Khoản 2 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 2089/VNHN-BHXH quy định về mức đóng BHXH của NLĐ và NSDLĐ như sau:

“Điều 5. Mức đóng và trách nhiệm đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Mức đóng và trách nhiệm đóng của người lao động

1.1. Người lao động quy định tại Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 và Tiết b Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

2. Mức đóng và trách nhiệm đóng của đơn vị tại Khoản 3 Điều 4

2.1. Đơn vị hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 và Tiết b Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4 như sau:

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

b) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.”

Theo quy định trên thì mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hàng tháng là 8% và người sử dụng lao động là 17%. Tổng mức đóng bảo hiểm xã hội ở công ty sẽ là 25% trên mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

b. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ Khoản 1 Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

“Điều 87. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.”

Theo quy định nêu trên thì mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng là 22% trên mức thu nhập mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện kê khai.

Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội ở công ty là 25% và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 22%. Sự chênh lệch này không quá nhiều. Chủ yếu là do bảo hiểm xã hội ở công ty có thêm 3% vào quỹ ốm đau, thai sản. mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì cả 2 loại bảo hiểm đều như nhau.

Thứ hai, các chế độ được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội ở công ty và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Căn cứ Điều 4 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các chế độ khi tham gia Bảo hiểm xã hội như sau:

“Điều 4. Các chế độ bảo hiểm xã hội

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:

a) Ốm đau;

b) Thai sản;

c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Hưu trí;

đ) Tử tuất.

2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

a) Hưu trí;

b) Tử tuất.

3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.”

Từ căn cứ nêu trên thì khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia chỉ được nhận 02 chế độ là: chế độ hưu trí và chế độ tử tuất; còn khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được nhận 05 chế độ gồm: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ TNLĐ-BNN, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất.

Như vậy, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại công ty được hưởng thêm chế độ thai sản và chế độ ốm đau.

Thứ ba, chế độ nghỉ hưu trước tuổi.

Theo quy định tại Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở các đơn vị sử dụng lao động có thể được nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thông thường nếu người lao động suy giảm khả năng lao động từ 61% tới 80%.

Mặt khác, theo quy định tại điều 73 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện để hưởng lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là phải đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm và phải đủ tuổi. Tức là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được nghỉ hưu trước tuổi.

Kết Luận: mức đóng bảo hiểm xã hội tại công ty và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại địa phương chênh lệch không nhiều nhưng bảo hiểm xã hội bắt buộc đóng ở công ty sẽ có nhiều quyền lợi hơn và có thể được nghỉ hưu sớm trước tuổi. Chính vì những lí do nêu trên, Chúng tôi tư vấn cho bạn nên tham gia bảo hiểm xã hội ở công ty ít nhất đủ 20 năm để có thể được nghỉ hưu trước tuổi khi sức khỏe của bạn không còn đảm bảo việc lao động nữa.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:

Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc về cách tính lương hưu khi vừa tham gia BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc; bác vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

luatannam