Nghỉ dưỡng sức sau sinh trùng ngày nghỉ tết có được nghỉ bù không?
Em trở lại làm việc sau sinh vào ngày 15/1/2020 mà muốn được nghỉ dưỡng sức thì cần điều kiện gì không ạ? Nếu em nghỉ dưỡng sức sau sinh có mấy ngày trùng với ngày nghỉ tết thì có được nghỉ bù không? Em sẽ được hưởng bao nhiêu tiền và cần hồ sơ như thế nào? Em cám ơn nhiều ạ!
- Chế độ dưỡng sức sau sinh cho lao động nữ năm 2020
- Lao động nữ được nghỉ dưỡng sức bao nhiêu lần trong năm
Hỗ trợ tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về điều kiện để nghỉ dưỡng sức sau thai sản
Căn cứ Khoản 1 Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“Điều 41. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày”.
Theo đó, bạn muốn hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh thì cần đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
– Đã trở lại làm việc ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi sinh theo quy định.
– Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.
– Được công ty đồng ý và làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh.
Thứ hai, nghỉ dưỡng sức sau sinh trùng ngày nghỉ tết có được nghỉ bù không?
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“1. … Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.”
Như vậy, tùy theo từng trường hợp cụ thể nêu trên mà bạn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày. Tuy nhiên, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Vì thế, bạn sẽ không được nghỉ bù đối với những ngày nghỉ dưỡng sức sau sinh trùng với ngày nghỉ tết.
Thứ ba, về mức hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về mức hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh cho lao động nữ như sau:
“3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở”.
Bên cạnh đó, Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 3. Mức lương cơ sở
1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
3. Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước”.
Khi đó, mức hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh của bạn một ngày được tính bằng 30% x 1.490.000 đồng = 447.000 đồng.
Thứ tư, về hồ sơ đề nghị hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản
Căn cứ Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH quy định:
“Điều 4. Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả
2. Tiếp nhận hồ sơ giấy do đơn vị SDLĐ nộp theo hướng dẫn tại điểm 2.1, 2.2, 2.4 khoản này và hồ sơ do người lao động, thân nhân người lao động nộp theo hướng dẫn tại điểm 2.3 khoản này với thành phần hồ sơ cho từng loại chế độ như sau:
2.4. Trường hợp hưởng DSPHSK sau ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN: Hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 100, khoản 5 Điều 101 Luật BHXH; khoản 1 Điều 60 Luật ATVSLĐ là Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập”.
Theo đó, bạn không phải nộp giấy tờ gì cho công ty; công ty của bạn sẽ chuẩn bị mẫu 01B-HSB và gửi cơ quan BHXH để đề nghị giải quyết chế độ cho con của bạn. Thời hạn để công ty nộp hồ sơ đề nghị cho cơ quan BHXH là trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bạn đủ điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức.
Nếu còn vướng mắc về Nghỉ dưỡng sức sau sinh bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ thai sản trực tuyến 19006172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
--> Thời điểm lao động nữ có thể đề nghị nghỉ dưỡng sức sau sinh
- Đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản thì NLĐ có phải đóng BHTN?
- Trường hợp nghỉ ngang có được hưởng BHXH một lần hay không?
- Có bị truy thu tiền đóng BHXH khi công ty đóng không đúng không?
- Quy định về mức hưởng và thời gian giải quyết BHXH 1 lần
- Chuyển tuyến điều trị khi đi khám chữa bệnh trái tuyến