Nội dung câu hỏi:
Mọi người ơi, trước giờ em đi làm không để ý, công ty e làm cũng khó khăn nên em mới phát hiện công ty em chậm đóng bhxh 2 năm lận ạ. Giờ mình lên chỗ bhxh xin giấy mình tự nộp bù 2 năm đó được không ạ, sau đó bảo cty hoàn tiền cho mình. Vì giờ nộp theo công ty thì nhiều công ty không chịu đóng ạ. Anh chị có cách nào mách em với ạ
- Tự đóng bảo hiểm xã hội có được hưởng chế độ thai sản không?
- Tự đóng bảo hiểm xã hội khi công ty không đóng cho nhân viên
- Công ty không đóng bảo hiểm cho người lao động bị phạt thế nào?
VIDEO: CHỐT SỔ BHXH KHI CÔNG TY ĐANG NỢ TIỀN BHXH
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Với trường hợp của bạn: Người lao động tự đóng bảo hiểm khi công ty đang nợ được không?, Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:
Trách nhiệm đóng bảo hiểm của công ty
Căn cứ Khoản 1 Điều 19 và Khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Điều 19. Trách nhiệm của người lao động
1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này”.
“Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội”.
Như vậy, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục đóng tiền bảo hiểm xã hội cho quỹ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Người lao động tự đóng bảo hiểm khi công ty đang nợ được không?
Như trình bày ở phần trước, trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của người sử dụng lao động nên khi công ty đang nợ tiền bảo hiểm xã hội thì người lao động không thể tự đóng tiền nợ với cơ quan bảo hiểm xã hội được.
Trong tất cả các trường hợp liên quan tới tiền đóng bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm chỉ làm việc với đơn vị sử dụng lao động mà không làm việc trực tiếp với người lao động.
Công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội phải làm sao?
Theo Điểm 1.2 Khoản 72 Điều 1 của Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của tổng giám đốc bảo hiểm xã hội việt nam quy định sửa đổi, bổ sung Điều 46 như sau:
Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Như vậy, khi công ty nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội mà người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì cơ quan bảo hiểm vẫn có thể cho đơn vị đóng tiền bảo hiểm và tiền lãi để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động hoặc chốt sổ bảo hiểm cho người lao động nghỉ việc.
Trường hợp công ty không đóng tiền nợ thì cơ quan bảo hiểm sẽ chốt sổ cho người lao động tới thời điểm mà công ty đã đóng tiền.
Trường hợp công ty nợ tiền bảo hiểm dẫn tới việc ảnh hưởng quyền lợi của người lao động, người lao động có thể thực hiện thủ tục khiếu nại theo quy định tại nghị định số 24/2018/NĐ-Cp.
Căn cứ điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP này, người lao động khiếu nại lần đầu tới giám đốc của công ty và khiếu nại lần thứ hai tới chánh thanh tra sở lao động – thương binh và xã hội.
Công ty nợ tiền bảo hiểm bị xử phạt thế nào?
Theo quy định tại điểm d khoản 5 và khoản 10 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP:
“Điều 39. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp có quy định mức phạt tiền và biện pháp khắc phục đối với hành vi nợ tiền đóng bảo hiểm như sau:
…
5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
d) Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
10. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.”
Theo quy định tại khoản 1 điều 6 nghị định 12/2022/NĐ-Cp thì mức phạt tiền 12% tới 15% trên số tiền nợ bảo hiểm xã hội được quy định tại khoản 5 điều 39 vừa nêu chỉ là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Riêng đối với công ty hoặc người sử dụng là tổ chức thì mức phạt tiền cho hành vi vi phạm sẽ gấp 02 lần mức quy định tại khoản 5 điều 39 nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Kết luận:
Bạn đang bị công ty nợ 2 năm tiền bảo hiểm xã hội không đóng thì bạn không thể tự bỏ tiền của mình để đóng bảo hiểm xã hội trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội và lấy lại tiền từ phía công ty được.
Nếu bạn đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm hoặc nghỉ việc, bạn có thể đề nghị công ty đóng trước phần tiền cho mình để hưởng chế độ hoặc chốt sổ.
Trường hợp công ty làm ảnh hưởng tới quyền lợi bảo hiểm của bạn, bạn có thể thực hiện thủ tục khiếu nại lần đầu tới giám đốc công ty và khiếu nại lần hai tới chánh thanh tra sở lao động – thương binh và xã hội.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:
- Đã thôi việc nhưng công ty vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm
- Thủ tục báo giảm bảo hiểm y tế cho người lao động
- Thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động
Nếu còn vướng mắc về Người lao động tự đóng bảo hiểm khi công ty đang nợ được không? không bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Cách điền mẫu 01B-HSB cho NLĐ hưởng chế độ khi bị sảy thai
- Thời điểm thẻ BHYT của đối tượng hộ gia đình có giá trị sử dụng
- Có được thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không?
- Đóng BHXH tự nguyện có được nghỉ hưu sớm trước tuổi không?
- Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của người làm hợp đồng mùa vụ?