19006172

Phát hiện bệnh nghề nghiệp sau khi chuyển vị trí công tác

Phát hiện bệnh nghề nghiệp

Tôi làm việc trong ngành khai thác mỏ than ở Quảng Ninh, bị mắc bệnh nghề nghiệp bụi phổi Silic tỉ lệ mất sức là 31% từ năm 2011 nhưng đến nay không được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Khi tôi hỏi, lãnh đạo công ty nơi tôi công tác trả lời là: tôi phát hiện bệnh nghề nghiệp tại thời điểm không phải là công nhân lao động trực tiếp (tôi làm công nhân lao động trực tiếp trong hầm lò từ 1/1987 đến 10/2009). Tôi xin hỏi như thế có đúng quy định không? Nếu không đúng tôi phải đòi quyền lợi bệnh nghề nghiệp ở cơ quan nào? Mong được tư vấn giúp đỡ, xin cảm ơn!



phát hiện bệnh nghề nghiệpTư vấn bảo hiểm xã hội:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Bạn phát hiện bệnh nghề nghiệp – bệnh bụi phổi Silic từ 2011 nên để xác định điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cần căn cứ Điều 40 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 như sau:

” Điều 40. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại khoản 1 Điều này.”

Theo đó, khi người lao động bị bệnh do điều kiện lao động có hại của môi trường làm việc của nghề nghiệp tác động và suy giảm từ 5% khả năng lao động thì đã được xác định là bệnh nghề nghiệp. 

Trong trường hợp của bạn, bệnh bụi phổi silic được nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ lao động thương binh xã hội ban hành. Cùng với đó bạn bị suy giảm 31% khả năng lao động nên bạn đủ điều kiện để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bạn phát hiện bệnh nghề nghiệp sau khi chuyển vị trí công tác nên có một vấn đề cần quan tâm, đó là thời gian đảm bảo bệnh nghề nghiệp. Nếu bạn mắc bệnh trong thời gian đảm bảo theo quy định thì sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, còn nếu không bạn sẽ không được hưởng chế độ đó.

Thời gian bảo đảm được quy định tại Phụ lục của thông tư liên bộ số 08/TTLB của Bộ thương binh và xã hội – Bộ y tế – Tổng công đoàn lao động Việt Nam ngày 19 tháng 5 năm 1976 như sau:

“2. Thời gian bảo đảm là thời gian được quy định đối với mỗi nghề nghiệp kể từ khi công nhân viên chức đã thôi tiếp xúc với yếu tố độc hại mà còn khả năng phát bệnh để đảm bảo cho đương sự được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về bệnh nghề nghiệp.”

Tại mục IV Phụ lục của thông tư liên bộ số 08/TTLB của Bộ thương binh và xã hội – Bộ y tế – Tổng công đoàn lao động Việt Nam ngày 19 tháng 5 năm 1976 có quy định về thời gian bảo đảm của bệnh nhiễm bụi phổi silic. Theo đó thì thời gian bảo đảm của bệnh nghề nghiệp này là 5 năm. Tính từ năm 2009 đến thời điểm bạn đi giám định là 02 năm – vẫn trong khoảng thời gian bảo đảm bệnh nên trường hợp này bạn đủ điều kiện được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

phát hiện bệnh nghề nghiệp

Tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 24/7: 1900 6172

Như vậy, việc công ty bạn trả lời do khi đi giám định bạn không còn làm trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với bụi silic nên không được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là không đúng với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu công ty nộp hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp cho bạn. Nếu công ty không đồng ý, bạn có thể gặp Giám đốc để làm việc hoặc khiếu nại đến Ban chấp hành công đoàn cũng như Phòng lao động – thương binh và xã hội. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể yêu cầu công ty bồi thường đối với thời gian công ty chậm giải quyết chế độ từ năm 2011 đến nay.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: 

Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp và thời gian nộp

Trợ cấp bệnh nghề nghiệp khi đã thôi việc

Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc thì bạn có thể liên hệ trực tiếp đến Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

luatannam