Quy định thủ tục hưởng chế độ thai sản năm 2023
Mọi người cho em hỏi. Em làm ở công ty tính tới hết tháng 12/2022 là 1 năm 6 tháng. Em bầu dự sinh là tháng cuối tháng 1/2023. Công việc áp lực em tính hết tháng 12 em xin nghỉ thì công ty nghỉ sẽ báo giảm hẳn. Vậy em có thể nhận được thai sản không và thủ tục nhận hưởng chế độ thai sản là như thế nào ạ? trường hợp em nghỉ bắt đầu từ tháng 12 tiền lương làm căn cứ tính BHXH của em được tính từ tháng mấy đến tháng mấy
VIDEO: 05 NGUYÊN NHÂN KHIẾN BẠN CHƯA NHẬN ĐƯỢC TIỀN THAI SẢN
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, điều kiện hưởng chế độ thai sản
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Lao động nữ sinh con;
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Đồng thời, Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
“Điều 9. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi…
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này”
Theo quy định trên, điều kiện để tính hưởng chế độ thai sản khi sinh con là phải đóng bảo hiểm xã hội được ít nhất 06 tháng trong 12 tháng trước sinh. Trường hợp, người lao động nghỉ việc hẳn trước khi sinh con thì tháng dự sinh sẽ không được tính trong 12 tháng trước sinh để xét điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, trong trường hợp này: thời gian dự sinh của bạn là tháng 1/2023 và bạn nghỉ việc hẳn từ tháng 12/2022 cho nên 12 tháng trước khi sinh của bạn tính từ 1/2022 – 12/2022. Trong thời gian này bạn đã đóng được 12 tháng BHXH nên bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Thứ hai, mức hưởng chế độ thai sản
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/ 2015/ TT – BLDTBXH quy định như sau:
“Điều 12. Mức hưởng chế độ thai sản
1. Mức hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”
Theo quy định trên, mức hưởng chế độ thai sản sẽ được tính là bình quân tiền lương của 6 tháng đóng Bảo hiểm xã hội trước khi sinh con. Tháng 1/2023 bạn sinh con mà bạn đóng đến hết tháng 12/2022 nên bình quân lương 6 tháng trước sinh của bạn là từ tháng 7/2022 – 12/2022.
Thứ ba, quy định thủ tục hưởng chế độ thai sản khi chấm dứt HĐLĐ trước sinh;
Do bạn đã nghỉ hẳn việc trước khi sinh con, nên sau khi sinh bạn sẽ tự làm chế độ thai sản mà không cần phải qua công ty. Căn cứ tại Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 và Quyết định số 166/QĐ-BHXH thì thủ tục làm chế độ thai sản thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 01: Người lao động chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thai sản gồm:
– Sổ BHXH bản gốc;
– Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
– Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú;
– Căn cước công dân hoặc hộ chiếu
Bước 2: Người lao động nộp bộ hồ sơ như tại Bước 01 đến cơ quan Bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi cư trú theo sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để được giải quyết.
Bước 03: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật. Thời hạn giải quyết hồ sơ: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Sau khi nộp hồ sơ, bạn sẽ nhận được phiếu hạn trả kết quả của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Lưu ý, trên phiếu hẹn trả kết quả sẽ có mã hồ sơ, bạn có thể tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ theo mã hồ sơ này. Cách tra cứu bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết sau: Hướng dẫn tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ thai sản
Bước 04: Trả kết quả theo Giấy hẹn. Bạn vui lòng đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để nhận kết quả theo đúng lịch hẹn để nhận lại Sổ bảo hiểm xã hội bản gốc.
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Cơ quan BHXH sẽ trả email, SMS thông báo về việc xử lý thành công hồ sơ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh con;
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan BHXH sẽ trả email, SMS thông báo về việc từ chối tiếp nhận xử lý hồ sơ và yêu cầu hoàn thiện lại theo hướng dẫn gửi kèm.
Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc bạn vui lòng liên hệ Dịch vụ tư vấn trực tuyến 24/7: 19006172 để được tư vấn trực tiếp.
- Hồ sơ cấp lại sổ BHXH khi sai giới tính có cần giấy khai sinh không?
- Về quê khám chữa bệnh có được bảo hiểm y tế chi trả?
- Tại sao cơ quan bảo hiểm xã hội trả hồ sơ thanh toán lại BHYT
- Lao động nữ sảy thai 9 tuần tuổi có được hưởng bảo hiểm thai sản?
- Thời gian nghỉ thai sản có được tính khi xác định mức lương trung bình lương hưu