Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế 3 năm liên tục
Tôi nghe nói những người tham gia bảo hiểm y tế 3 năm liên tục sẽ được hưởng mức chi trả cao hơn nhưng không biết cụ thể điều này như thế nào? Hiện nay trên thẻ của tôi không ghi thời điểm 3 năm liên tục mà chỉ ghi thời điểm 5 năm liên tục không biết là như thế nào? Hơn nữa tính ra thời điểm này là tôi phải được công nhận là tham gia liên tục rồi mà trên thẻ lại ghi cho tôi là năm 2023 thì tôi có điều chỉnh lại không? Bố tôi có thẻ BHYT của thương binh 81% nếu có thẻ 5 năm liên tục thì có được hưởng quyền lợi gì thêm?
- Thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục được hiểu như thế nào?
- Đổi thẻ BHYT trong trường hợp thời điểm hưởng từ đủ 5 năm liên tục
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn Về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế 3 năm liên tục; chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề tham gia bảo hiểm y tế 3 năm liên tục
Theo Thông tư liên tịch 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2009 quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7 như sau:
“Quỹ BHYT thanh toán 50% chi phí của thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế nhưng đã được phép lưu hành tại Việt Nam theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là cơ sở y tế) theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP và Điều 9 Thông tư này đối với các trường hợp:
a) Người bệnh tham gia BHYT liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.”
Tuy nhiên, Thông tư này đã hết hiệu lực vào 01/02/2015 và không có văn bản thay thế. Chính vì vậy, nếu bạn mới chỉ tham gia 03 năm liên tục bạn sẽ không được hưởng thêm quyền lợi nào khác.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP về mức hưởng bảo hiểm y tế cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế:
“Điều 14. Mức hưởng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 7 Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 27 và 28 của Luật bảo hiểm y tế; khoản 4 và 5 Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
đ) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;”
Như vậy, khi bạn tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, và số tiền đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì sẽ được hỗ trợ 100% chi phí KCB khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Thứ hai, về vấn đề trên thẻ BHYT của bạn ghi thời điểm đủ 5 năm liên tục
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
“Điều 12. Thẻ bảo hiểm y tế
Thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành, phản ánh được các thông tin sau:
5. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.”
Như vậy, thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục được hiểu là tham gia BHYT 60 tháng trong đó có gián đoạn thì thời gian gián đoạn không quá 3 tháng. Đây là 01 trong các thông tin bắt buộc trên thẻ BHYT của người tham gia.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Nghỉ việc và hưởng BHYT thất nghiệp có còn được tính tiếp 5 năm liên tục?
Luật sư tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về vấn đề thẻ BHYT ghi nhận không đúng về thời điểm tham gia BHYT 5 năm liên tục
Căn cứ Khoản 1 Điều 19 Luật bảo hiểm y tế năm 2014 quy định:
“Điều 19. Đổi thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế được đổi trong trường hợp sau đây:
a) Rách, nát hoặc hỏng;
b) Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;
c) Thông tin ghi trong thẻ không đúng”.
Theo đó, khi thẻ BHYT của bạn ghi nhận không đúng thông tin về thời điểm tham gia BHYT 5 năm liên tục như đã nêu trên thì bạn có thể đề nghị đổi lại thẻ BHYT.
Căn cứ Khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH để cấp đổi lại thẻ BHYT bạn cần chuẩn bị:
+) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS, 01 bản/người)
+) Thẻ BHYT cũ còn giá trị.
+) Bảng kê thông tin mẫu D01-TS đối với đơn vị sử dụng lao động
Nơi nộp hồ sơ đổi thẻ BHYT: người đang làm việc nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi đang tham gia hoặc nộp thông qua đơn vị nơi đang làm việc. Các trường hợp khác: nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT.
Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc
Ngoài ra, xin bạn vui lòng tham khảo bài viết: Thủ tục khám bệnh trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT
Thứ tư, về vấn đề hưởng quyền lợi BHYT 5 năm liên tục với thương binh
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
“1… b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với:
– Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;…”
Như đã phân tích ở trên, 01 trong các điều kiện để hưởng quyền lợi BHYT 5 năm liên tục là số tiền đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm phải lớn hơn 06 tháng lương cơ sở. Tuy nhiên, vốn dĩ bố của bạn đã được hưởng 100% khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến nên sẽ không thuộc đối tượng hưởng quyền lợi này.
Trên đây là bài viết về vấn đề quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế 3 năm liên tục
Nếu còn vướng mắc về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế 3 năm liên tục; vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Tham gia BHYT 5 năm liên tục đi khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh
- Nghỉ ngang được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
- Đơn phương chấm dứt HĐLĐ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
- Thời gian nghỉ chế độ ốm đau khi người lao động đóng được 16 năm BHXH
- Hồ sơ khám giám định tái phát do bị tai nạn lao động năm 2023
- Người lao động nước ngoài có đóng quỹ thai sản không?