19006172

Quyền lợi về bảo hiểm y tế cho người đã hiến thận

Quyền lợi về bảo hiểm y tế cho người đã hiến thận

Em muốn hỏi về quyền lợi bảo hiểm y tế cho người đã hiến thận ạ! Em đã hiến thận vào cuối năm 2019 thì có phải sau đó em sẽ được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí đúng không ạ? Em có cần làm thủ tục gì không hay người ta tự phát cho em ạ? Khi nào em có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đó ạ? Khi đi đúng tuyến thì em được hưởng quyền lợi như thế nào với thẻ đó? Em cám ơn nhiều!



Bảo hiểm y tế cho người đã hiến thận

Hỗ trợ tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến qua tổng đài 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người đã hiến thận

Căn cứ Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng

14. Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng.

15. Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.

16. Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình, gồm:

a) Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

b) Người phục vụ thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

17. Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Như vậy, người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng là 01 trong số các đối tượng được Nhà nước đóng tiền để cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Bạn cho biết bạn đã hiến thận vào cuối năm 2019 nên thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Thứ hai, về vấn đề cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến thận

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

“Điều 25. Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT

1. Thành phần hồ sơ

1.1. Người tham gia

a) Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

b) Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật: Giấy ra viện có ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”.”

Như vậy; cơ quan BHXH sẽ không tự cấp thẻ bảo hiểm y tế sau khi bạn hiến thận. Bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ sau để đề nghị được cấp thẻ bảo hiểm y tế:

+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1 – TS);

+ Giấy ra viện ghi rõ ” đã hiến bộ phận cơ thể”;

+ Chứng minh thư nhân dân.

Nơi nộp hồ sơ: bạn nộp tại cơ quan BHXH huyện nơi bạn cư trú.

Thứ ba, về thời điểm có hiệu lực của thẻ bảo hiểm y tế dành cho người đã hiến thận

Căn cứ theo quy định tại Khoản 16 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:

“Điều 13. Thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng

6. Đối với đối tượng quy định tại khoản 14 Điều 3 Nghị định này, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì thẻ bảo hiểm y tế của bạn sẽ có giá trị sử dụng ngay sau khi bạn hiến  thận. 

Thứ tư, về quyền lợi được hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến

Căn cứ Điều 21 Luật bảo hiểm y tế năm 2014 quy định như sau:

“Điều 21. Phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế

1. Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí sau đây:

a) Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;

b) Vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

2. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.”

Như vậy:

Bạn được cấp thẻ bảo hiểm y tế dành cho người đã hiến tạng thì sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con. Tuy nhiên, bạn sẽ không được quỹ bảo hiểm y tế chi trả nếu thuộc vào các trường hợp được quy định tại Điều 23 của Luật bảo hiểm y tế năm 2014.

Theo Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì mức hưởng khi đi đúng tuyến của bạn là 80% đối với các chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong danh mục.

Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về bảo hiểm y tế 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

--> Người hiến bộ phận cơ thể đi điều trị chưa có thẻ thì có được hưởng BHYT không?

 

luatannam