Sắp sinh thì có bắt buộc phải nộp hồ sơ BHTN tại nơi có sổ hộ khẩu không
Cho em hỏi về vấn đề sắp sinh thì có bắt buộc phải nộp hồ sơ BHTN tại nơi có sổ hộ khẩu không? Em vừa nghỉ việc tại công ty ở TP HCM. Đang chờ giấy quyết định nghỉ việc với sổ bhxh. Giờ em chuẩn bị sinh em bé nên về nhà mẹ ruột ở Kiên Giang, vậy khi có sổ em có thể đăng kí BHTN ở Kiên Giang được không. Vì em đã chuyển hộ khẩu về BẾN TRE bên chồng rồi. Trường hợp em sinh em bé rồi thì có phải lên khai báo tình hình tìm kiếm việc làm hàng tháng không? Khi em sinh thì em phải thực hiện thủ tục để thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm để không phải khai báo việc làm
Tổng đài tư vấn Bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vấn đề sắp sinh thì có bắt buộc phải nộp hồ sơ BHTN tại nơi có sổ hộ khẩu không
Căn cứ khoản 1 điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 17. Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.”
Theo thông tin từ bạn thì bạn có hộ khẩu ở Bến Tre và đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Nay bạn muốn nhận thất nghiệp thì bạn có thể lựa chọn địa điểm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại nơi bạn muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Do đó, nếu bạn muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Kiên Giang thì bạn nộp hồ sơ lên trung tâm dịch vụ việc làm tại đây mà không cần liên hệ về nơi bạn đang đang có sổ hộ khẩu.
Thứ hai, nghỉ thai sản có phải khai báo tình hình tìm kiếm việc làm không
Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Luật việc làm 2013 quy định như sau:
“Điều 52. Thông báo về việc tìm kiếm việc làm
1. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
b) Trường hợp bất khả kháng.
2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này thì người lao động có trách nhiệm thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều này.”
Như vậy, theo quy định này trong thời gian bạn đang nghỉ nghỉ thai sản thì bạn sẽ không phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm.
Thứ ba, quy định thủ tục để thông báo đang nghỉ thai sản với bên trung tâm dịch vụ việc làm
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 28/2015/ TT – BLDTBXH quy định như sau:
“Điều 10. Thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tạiĐiều 52 Luật Việc làm
2. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
c) Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp tại các Điểm b, c, d, đ của Khoản này thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo Mẫu số 17 ban hành kèm theo Thông tư này và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.”
Như vậy, theo quy định này bạn có thể gửi thư đảm bảo hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm và kèm theo xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền nơi mà bạn đã sinh con.
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề này, xin vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn bảo hiểm xã hội trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Nộp hồ sơ hưởng BHTN ở nơi khác nơi đã đóng bảo hiểm?