19006172

Tham gia BHYT như thế nào sau khi nghỉ việc ở công ty?

Tham gia BHYT như thế nào sau khi nghỉ việc ở công ty?

Em có thể tham gia BHYT gì sau khi nghỉ việc ở công ty; có thể lựa chọn giữa tự nguyện và thất nghiệp không ạ? Phí đóng của mỗi loại thẻ này như thế nào ạ? Thẻ nào dùng được lâu hơn và có mức hưởng cao hơn thế ạ? Mong sớm được giải đáp! Em cám ơn ạ!



Tham gia BHYT sau khi nghỉ việc

Hỗ trợ tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, tham gia BHYT gì sau khi nghỉ việc? 

Căn cứ Khoản 6 Điều 2 và Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 2. Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng

6. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

“Điều 5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

1. Người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định này.

2. Người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3 , 4 và 6 Nghị định này và đối tượng đã tham gia bảo him y tế theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

Hiện nay bạn đã nghỉ việc ở công ty. Theo quy định nêu trên, bạn có thể đăng ký tham gia BHYT tự nguyện tại địa phương mà bạn đang có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Ngoài ra, nếu bạn được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn sẽ được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT thất nghiệp. Tuy nhiên, bạn lưu ý là chỉ có thể tham gia 01 trong 2 loại BHYT này.

Thứ hai, về mức đóng BHYT khi đã nghỉ việc

Căn cứ Điểm d và Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 7. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế

1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:

d) Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị định này;

e) Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính”.

Theo đó:

– Nếu bạn tham gia BHYT thất nghiệp thì cơ quan BHXH sẽ đóng tiền để bạn được cấp thẻ; mức đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp của bạn.

– Nếu bạn tham gia BHYT tự nguyện thì bạn phải tự đóng tiền. Mức đóng cụ thể cho 12 tháng sử dụng như sau:

+ Người thứ nhất sẽ phải đóng với mức 4,5% mức lương cơ sở, tương đương 805.000 đồng;

+ Người thứ 2 đóng với mức 70% của người thứ nhất tương đương 563.500 đồng;

+ Người thứ 3 đóng với mức 60% của người thứ nhất tương đương với 483.000 đồng;

+ Người thứ 4 đóng với mức 50% của người thứ nhất, tương đương với 402.500 đồng;

+ Người thứ 5,6,7… đóng với mức 40% của người thứ nhất tương đương với 321.600 đồng.

Thứ ba, thẻ BHYT nào sử dụng được lâu hơn?

Căn cứ Điều 51 Luật việc làm năm 2013 quy định như sau:

“Điều 51. Bảo hiểm y tế

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

2. Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 47 Quyết định 595/QĐ-BHXH có quy định:

“Điều 47. Quản lý dữ liệu, giá trị sử dụng thẻ BHYT

2. Thẻ BHYT có giá trị sử dụng tương ứng số tiền đóng BHYT, thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng như sau:…”

Như vậy, thời gian sử dụng của thẻ BHYT được xác định như sau:

– Nếu bạn tham gia BHYT thất nghiệp:

Thẻ BHYT này có giá trị sử dụng bằng đúng thời gian hưởng trợ cấp của người này. 

– Nếu bạn tham gia BHYT tự nguyện

Thẻ BHYT này có giá trị sử dụng tương ứng với thời gian mà bạn đóng tiền tham gia: 03 tháng; 06 tháng hoặc 12 tháng (theo Điều 9 Nghị định 146/2018/NĐ-CP).

Thứ tư, thẻ BHYT nào có quyền lợi cao hơn?

Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định:

“1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 27 và 28 của Luật bảo hiểm y tế; khoản 4 và 5 Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các khoản 3, 4, 8, 9, 11 và 17 Điều 3 Nghị định này;

… e) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2, khoản 12 Điều 3 và khoản 1 và 2 Điều 4 Nghị định này;

g) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác;”

Như vậy, khi tham gia BHYT tự nguyện hay BHYT thất nghiệp thì mức hưởng của bạn cũng đều là 80% các chi phí trong danh mục nếu đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Ngoài ra, theo Điều 21 Luật bảo hiểm y tế năm 2014 với cả 2 thẻ BHYT này bạn đều được hưởng quyền lợi BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con.

Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về bảo hiểm y tế 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

--> Khám chữa bệnh trái tuyến có được hưởng bảo hiểm y tế?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

luatannam