19006172

Thời hạn điều tra lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là bao lâu?

Thời hạn điều tra lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là bao lâu?

Xin hỏi tổng đài tư vấn, theo quy định mới thì thông thường thời hạn điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tối đa là bao nhiêu lâu? Khi phải tổ chức điều tra lại thì có được hỗ trợ chi phí gì không? Trích dẫn giúp em theo quy định mới nhất hiện nay được hay không? Và quy định mới đã có hiệu lực áp dụng chưa? Mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn.



Thời hạn điều tra lại tai nạn lao động

Luật sư tư vấn chế độ tai nạn lao động trực tuyến 24/7: 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, thời hạn điều tra lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là bao lâu?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định 88/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 29. Mức hỗ trợ kinh phí và thời hạn điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

2. Thời hạn điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không quá 60 ngày, trừ trường hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền tổ chức điều tra lại có thỏa thuận khác.”

Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn để điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ không quá 60 ngày, trừ trường hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền tổ chức điều tra lại có thỏa thuận khác.

Thứ hai, tổ chức điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN có được hỗ trợ chi phí?

Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 như sau:

“Điều 56. Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

2. Các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ bao gồm:

c) Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội;”

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 88/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 28. Trường hợp được hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Các trường hợp được hỗ trợ kinh phí điều tra lại theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động là các vụ tai nạn lao động và trường hợp bệnh nghề nghiệp được cơ quan có thẩm quyền tổ chức điều tra lại khi có yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội; không bao gồm các trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước.”

Như vậy, theo quy định trên thì khi vụ tai nạn lao động của công ty bạn được cơ quan có thẩm quyền tổ chức điều tra lại khi có yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ được hỗ trợ kinh phí điều tra lại nhưng không bao gồm các trường hợp khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ ba, về thời điểm có hiệu lực thi hành

Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Nghị định 88/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 45. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2020.

2. Người đang hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.”

Theo đó, Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2020.

Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

Trường hợp không thống nhất với nội dung biên bản điều tra TNLĐ phải làm sao?

Thành phần đoàn điều tra TNLĐ có bao gồm giám đốc công ty không?

luatannam