Trợ cấp tuất một lần cho thân nhân người lao động chết
Bố tôi là công nhân của một nhà máy bánh kẹo ở Hà Nội, tham gia BHXH được 14 năm và chưa hưởng BHXH một lần. Tháng trước, bố tôi mất do bị bệnh ung thư. Vậy bảo hiểm có trả tuất một lần cho thân nhân của bố tôi không? Gia đình cần làm hồ sơ trong bao lâu? Ai được tính là thân nhân để hưởng tiền tuất 1 lần này? Mức hưởng của bố tôi được tính như thế nào? Xin cám ơn!
Với trường hợp trợ cấp tuất một lần cho thân nhân người lao động chết của bạn Tổng đài tư vấn xin tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề nhận tuất một lần cho thân nhân người lao động
Theo Khoản 1 Điều 67 và Khoản 1 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:
“Điều 67. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng
1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:
a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Đang hưởng lương hưu;
c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên”.
“Điều 69. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần
1. Người lao động chết không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này;”
Bạn cho biết bố của bạn đóng được 14 năm BHXH, chưa nhận tiền một lần nhưng qua đời vì bệnh ung thư. Theo quy định trên thì thân nhân sẽ được nhận tuất một lần.
Thứ hai, về thời hạn để nộp hồ sơ hưởng chế độ
Căn cứ Điều 112 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về giải quyết hưởng chế độ tử tuất:
“Điều 112. Giải quyết hưởng chế độ tử tuất
1. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chết thì thân nhân của họ nộp hồ sơ quy định tại Điều 111 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội”.
Theo đó, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày bố của bạn qua đời, thân nhân sẽ phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng chế độ đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi bố bạn cư trú trước khi mất.
Nếu quá thời hạn nêu trên thì bạn vẫn nộp hồ sơ nhưng phải giải trình lý do và cơ quan BHXH sẽ xem xét giải quyết (theo Điều 116 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014).
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết: Hồ sơ giải quyết chế độ tuất theo Quyết định 166/QĐ-BHXH hiện hành
Dịch vụ tư vấn chế độ tử tuất trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về thân nhân hưởng trợ cấp tuất
Căn cứ Khoản 6 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
6. Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Như vậy, những người được xác định là thân nhân để hưởng trợ cấp tuất gồm:
– Con đẻ, con nuôi;
– Vợ hoặc chồng;
– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi;
– Cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội;
– Thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Thứ tư, về mức hưởng tuất một lần
Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức trợ cấp tuất một lần như sau:
“1. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi;
Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật này.”
Cụ thể với mức trợ cấp được tính theo 02 giai đoạn như sau:
– Trước năm 2014: Số năm tham gia BHXH trước năm 2014 × 1,5 × Bình quân tiền công, tiền lương tháng đóng BHXH.
– Sau năm 2014: Số năm tham gia BHXH sau năm 2014 × 2 × Bình quân tiền công, tiền lương tháng đóng BHXH.
Ngoài trợ cấp tuất một lần, thân nhân còn được nhận thêm trợ cấp mai táng phí. Để tìm hiểu cụ thể hơn về trợ cấp mai táng, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Điều kiện hưởng và thủ tục hưởng trợ cấp mai táng phí
Trên đây là quy định của pháp luật về Trợ cấp tuất một lần cho thân nhân người lao động chết.
Mọi thắc mắc liên quan đến trợ cấp tuất một lần cho thân nhân người lao động chết, xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ tử tuất trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Cách điền tờ khai 09- HSB đề nghị giải quyết chế độ tuất hàng tháng
- Đi làm công ty được hoàn trả số tiền đã đóng BHYT tự nguyện không?
- Muốn chuyển nơi hưởng TCTN phải làm thủ tục gì?
- Thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh BHYT trên cả nước từ năm 2021
- Khám chữa bệnh tại bệnh viện trái tuyến tỉnh có được thanh toán BHYT không?
- Các trường hợp được đăng ký KCB ban đầu ở tuyến tỉnh